Khi nói một quả quyết nào đó là "Lời Chúa trong Tin Mừng", chúng ta xác nhận rằng quả quyết ấy là chân lý vững chắc không cần phải bàn cãi nữa.
Đối với Kitô hữu, Đức Kitô là một quyền bính tối thượng, quyền bính mà ta phải cúi đầu tuân phục, phải hết lòng tin cậy và yêu mến. Ngay cả đối với những người không tin Chúa, Đức Kitô cũng là một trong số những nhân vật phi phàm nhất của lịch sử. Ngài là biểu tượng của ngay thẳng và chân thật. Ngài là người đã nói: "Lời nói của các con phải: có thì nói có, không thì nói không". Tất cả những gì không theo nguyên tắc đó đều thiếu đúng đắn!
Vậy chúng ta hãy tự hỏi Đức Kitô nghĩ gì và nói gì về Satan. Về điểm này cũng như về mọi điểm khác liên quan đến đời sống tôn giáo của con người, sách Tin Mừng đều nói rất chuẩn mực và dứt khoát. Nếu những người mất đức tin không chấp nhận tính chuẩn mực và dứt khoát của Tin Mừng, thì chắc chắn, nếu không nại đến Tin Mừng, họ sẽ không hiểu gì về não trạng tôn giáo của những thế kỷ trước đây ở Pháp. Những ai đã hoặc đang tin rằng mình đã tiếp xúc với ma quỷ, những ai đã bị chúng tấn công như cha sở họ Ars, những ai bị mọi người coi là "bị quỷ nhập" và được người ta trừ quỷ cho, tất cả những người đó đều đã hết lời giải thích những tình trạng mà họ cảm thấy, đã được nói đến trong sách Tin Mừng và trong Truyền Thống phát xuất từ Tin Mừng.
Hãy mở sách Tin Mừng ra xem Tin Mừng có nói về Satan không?
Có những câu chuyện về những người bị quỷ nhập, về việc trừ quỷ không?
Chính Chúa Giêsu có tin ma quỷ không?
Và Ngài nói gì về ma quỷ?
Điểm đầu tiên khiến chúng ta phải lưu ý là việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc. Có ba cuốn Tin Mừng nói về cơn cám dỗ này, cho ta thấy Chúa Giêsu và Satan đối đầu với nhau. Nhưng nên ghi nhớ điều này: không có ai chứng kiến cuộc chạm trán để đời này cả. Nếu không được đích thân Chúa Giêsu kể lại, thì ba tác giả Tin Mừng nhất lãm không thể biết gì về chuyện này. Ngài cũng phải vất vả khi nói cho các môn đệ hiểu được những gì đã xảy ra giữa Ngài và ma quỷ. Ngài muốn ta biết rằng Ngài đã thấy quỷ, có thể nói được là "thấy tận mắt": lúc đó, Satan đã đề nghị với Ngài nhiều việc, muốn Ngài sống dưới ách của nó, muốn Ngài làm trệch hướng! Tóm lại, Chúa Giêsu đã muốn chịu cám dỗ, và Ngài đã chịu cám dỗ thực sự. Ngài đã tỏ lộ cho những kẻ theo Ngài biết cơn cám dỗ ấy thế nào: Satan chỉ cho Ngài thấy thế gian và bảo: "Ta sẽ cho ngươi toàn bộ quyền thế của các nước trên thế giới này; cùng với vinh quang của chúng! Quyền hành đó đã được trao vào tay ta, và ta muốn trao cho ai tuỳ ý! Vậy nếu ngươi thờ lạy ta, thì tất cả những cái đó sẽ thuộc về ngươi!" (Lc 4,5-7)
Chúng ta đừng nghĩ rằng cơn cám dỗ đó quá hạn hẹp. Thực ra, nó bao gồm những chiều kích của mọi người sống trên hành tinh này. Vì thế, Satan nghĩ rằng nó cũng bao gồm cả những chiều kích của Chúa Giêsu nữa.
Còn về phía Chúa Giêsu, ba lần Ngài gọi Satan là "thủ lãnh thế gian này" (Ga 12,27; 14,30,16,11), nghĩa là Ngài cũng đồng ý với Satan trong việc nhìn nhận rằng nó có ưu thế trên mọi nước ở trần gian. Khi nói tới những trình thuật về cơn cám dỗ trong sa mạc, cha Lagrange so sánh nó với những bài "khởi ngôn" trong những bi kịch cổ, trong đó toàn bộ kịch bản sẽ diễn xuất đều được loan báo và ám chỉ trước. Cuộc chiến đấu giữa Chúa Giêsu và Satan là một khởi ngôn thuộc loại này. Nó nói lên tất cả sứ mạng của Chúa Giêsu. Ngài chỉ đến để lật đổ sự thống trị của Satan thôi. Thánh Gioan đã phải nói trong thư thứ nhất của ngài rằng: "Con Thiên Chúa đã xuất hiện để phá huỷ những việc làm của ma quỷ" (1Ga 3,8). Vì thế, toàn bộ sách Tin Mừng chắc chắn ghi lại đầy đủ những hành động Chúa Kitô đã làm để chống lại Satan, và những hành động Satan đã làm để chống lại Chúa Kitô. Và quả thực là thế! Người ta không thể không ngạc nhiên khi đọc sách Tin Mừng của chúng ta. Nếu không tin chắc chắn rằng Satan đang hiện diện và hành động giữa chúng ta, thì người ta sẽ không thể hiểu gì về những cuốn Tin Mừng.
Nếu kể ra đây tất cả những đoạn Tin Mừng nói tới ma quỷ thì quá dài. Chúng ta chỉ nên kể ra những đoạn chính yếu.
Chúa Giêsu khởi sự rao giảng ở Galilê, và thánh Marcô viết rằng Ngài "đuổi quỷ" (Mc 1,30). Trước khi Ngài giảng bài giảng trên núi, dân chúng qui tụ chung quanh Ngài. Tại sao vậy? Thánh Luca cho chúng ta biết: "để được Ngài chữa bệnh, và tất cả những ai bị thần ô uế dằn vặt đều được chữa lành cả" (Lc 6,18). Vì, như thánh Matthêu nói: "Người ta dẫn đến với Ngài tất cả những ai lâm tình trạng khốn khổ, bị những bệnh tật và đau khổ khác nhau, cả những người bị quỷ nhập, điên dại và bại liệt" (Mt 4,24).
Khi nói tới Maria Mađalêna, thánh Luca nói rõ là nàng được Chúa Giêsu chữa cho khỏi "bảy quỷ" (Lc 8,2). Khi sai các môn đệ rao giảng ở Galilê, Chúa Giêsu ban cho họ quyền năng trên ma quỷ. Khi họ trở về, Ngài nói với họ: "Ta đã thấy Satan từ trời rơi xuống như một ánh chớp" (Lc 10,17-20).
Một hôm Chúa Giêsu chữa lành người phụ nữ mà "quỷ dữ đã khiến cho đau ốm suốt 18 năm". Khi người cai quản nhà hội bất bình với Chúa vì hôm đó là ngày sa-bát, thì Chúa Giêsu trả lời: "Đồ giả hình! Trong ngày sa-bát, há các ngươi chẳng thả bò hay lừa trong chuồng ra dẫn chúng đi uống nước sao? Còn người con gái của Abraham đây, ma quỷ đã cầm buộc suốt 18 năm nay, lại chẳng nên cởi trói cho nó trong ngày sa-bát sao?" (Lc 13,10-17).
Chúng ta hãy nhớ có lần Chúa đuổi bọn quỷ tự xưng là đám đông, vì chúng cư ngụ rất đông ở trong người bị chúng ám đó. "Đám đông" ấy xin Ngài cho phép chúng nhập vào đàn heo. Ngài cho phép, và tất cả đàn heo đều nhảy xuống hồ chết đuối hết (xem cả ba Tin Mừng nhất lãm, nhất là Mc 5,1-20).
Cái nét khôi hài trong trình thuật này khiến người ta hết sức chú ý. Các con quỷ được mô tả hoàn toàn đúng. Người ta cảm nhận được bản chất và tính tình của chúng.
Người ta thấy được "tâm lý" của chúng. Chúng ta lại trở lại vấn đề này: khi chúng nhập vào một người nào thì chúng làm gì? Đức Cha Catherinet viết: "Chúng đặt để và thực hiện ở đó những rối loạn bệnh tật tương tự như bệnh điên. Chúng có một cảm thức nhạy bén và biết Chúa Giêsu là ai. Chúng phủ phục xuống lạy Ngài một cách trơ trẽn, xin xỏ Ngài, cầu khẩn Ngài như cầu khẩn Thiên Chúa, lo sợ bị Ngài ném chúng trở lại "Vực Sâu". Để tránh điều đó, chúng xin được nhập vào đàn heo và cư ngụ ở đó. Vừa mới nhập vào đàn heo thì chúng đã làm hại đàn súc vật đó một cách dữ dằn và độc ác bằng một quyền năng khiến chúng ta ngạc nhiên không kém tính hay thay đổi của chúng".
Trong những trình thuật khác về đuổi quỷ của sách Tin Mừng, chúng ta đều thấy những nét được kể ra sau đây ở nhiều mức độ khác nhau: sợ hãi, khúm núm, quyền năng, bất lương, hay thay đổi và ngay cả tức cười nữa.
Tóm lại, không những người Công giáo, mà ngay cả các sử gia nghiêm chỉnh cũng không thể không nhận thấy rằng: Chúa Giêsu không phải chỉ nói một cách giới hạn như những người đồng thời với Ngài vẫn nói, Ngài không có ý nói hùa theo sự dốt nát và thành kiến của những người chung quanh Ngài, mà thực sự chính Ngài cũng tin rằng Satan hiện diện và hoạt động trong thế gian, Ngài gìn giữ chúng ta chống lại Satan, đến nỗi trong sách Tin Mừng, chỗ nào đọc cũng thấy có Satan. Điều đó khiến chúng ta phải đặt vấn đề, một vấn đề mà chúng ta phải khảo sát một cách hết sức chuyên chú.
Các trình thuật về ma quỷ trong sách Tin Mừng có rất nhiều. Ma quỷ được nói đến rất nhiều, đến nỗi người ta phải tự hỏi: như vậy có quá đáng không? Trong đời sống thường nhật, chắc chắn người ta không gặp nhiều người bị quỷ nhập như Chúa Giêsu đã gặp. Các nhà phê bình hiện đại - ít nhất là những người tự hào nhận mình là "phê bình độc lập" - thế nào cũng cho rằng như vậy có vẻ không thật. Theo họ, đa số những người bị quỷ nhập chỉ là những người bị chứng cuồng loạn, những kẻ nửa điên nửa khùng, những kẻ bị chứng thác loạn...
Dẫu thực sự như vậy đi nữa, dẫu khi chữa trị loại "bệnh" này, Chúa Giêsu có dùng khoa y học thời đó đi nữa, thì Ngài cũng rất nổi tiếng vì đã thành công trong tất cả mọi trường hợp, nói vắn tắt là giải cứu những người khốn khổ ấy khỏi căn bệnh của họ, và giúp họ trở về trạng thái bình thường. Nhưng giải quyết vấn đề theo kiểu đó quả thật là quá giản lược, nếu người ta xem xét lại những gì đã nói ở trên. Các bản văn Tin Mừng phân biệt rất rõ ràng giữa những người bị quỷ nhập và những người bị các bệnh khác. Những người bị quỷ nhập có những dấu hiệu rõ rệt chứng tỏ có một thứ trí tuệ khác lạ cư ngụ trong họ. Thứ trí tuệ này lại tỏ ra thù nghịch với Chúa Giêsu và chúng ta gọi nó là thứ trí tuệ của thần ác.
Tiếp theo cái "khởi ngôn" mà chúng ta đã nói tới tầm quan trọng của nó, là việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc, nếu Satan không can thiệp vào hoạt động của Chúa Giêsu, hay chỉ đóng vai trò phụ thuộc, thì như thế mới có chỗ cho chúng ta ngạc nhiên. Nhưng sự việc không xảy ra như thế. Chúa Giêsu công khai coi mình như "kẻ mạnh" đến để trừ khử nước của Satan trên thế gian. Nói cho đúng thì cuộc chiến đấu này chủ yếu xảy ra trong vô hình, trong địa hạt của ân sủng và tội lỗi. Và cứ như thế cho đến ngày tận thế. Nhưng vì được Thiên Chúa cho phép, cuộc chiến đấu rất vĩ đại và kéo dài từ thế kỉ này sang thế kỷ khác đó cũng thể hiện ra thành những dấu hiệu hữu hình, và để lại cho chúng ta những trình thuật rất ngoạn mục. Nhưng những trình thuật này không phải là cái cốt yếu. Đừng quên điều đó. Dẫu trong tác phẩm này chúng tôi nhấn mạnh tới chúng, thì chúng ta cũng không nên coi chúng quan trọng quá! Điều cốt yếu, đó là số phận các linh hồn, là sự lựa chọn giữa thiên đàng và hoả ngục, giữa tình yêu và hận thù, giữa hạnh phúc vĩnh cửu và án phạt đời đời! Ý định của Thiên Chúa Quan Phòng là cho con người biết ít nhiều về quyền lực của Satan, và quyền lực này xuống trước quyền lực của Đấng Cứu Thế.
Chúng ta hoàn toàn không bị bó buộc tin rằng con số những người bị quỷ nhập mà Tin Mừng đề cập tới tương ứng với một con số trung bình nào đó trong thế giới hồi ấy hay trong thế giới ngày nay. Rất có thể, và cũng rất hợp lý, là chung quanh Chúa Giêsu, những trường hợp đó xảy ra một cách hết sức thường xuyên. Sự kết hợp giữa thần tính và nhân tính tạo nên nhân vị nơi con người Chúa Giêsu, vừa là Con của Loài Người vừa là Con của Thiên Chúa, sự kết hợp đó đã gây ra một đối kháng tương ứng mà Thiên Chúa cho phép, là những biểu hiện của ma quỷ được gia tăng gấp bội và được lặp đi lặp lại. Theo một nghĩa nào đó, hiện tượng quỷ nhập là một phản ứng, một bức hoạt kế đáp trả lại việc nhập thể của Ngôi Lời. Lúc đó, người ngoại giáo và ngay cả người Do Thái giáo trở nên cứng lòng tin đối với thế giới siêu nhiên, và đó cũng là một trong những đặc tính của thời đại chúng ta hiện nay. Việc Chúa Giêsu đến trần gian và rất nhiều trường hợp quỷ nhập xảy ra chung quanh Ngài, là một mạc khải sâu sắc về thế giới siêu nhiên, được thể hiện trên hai bình diện bổ sung lẫn nhau, là Thành của Thiên Chúa và Thành của Satan (Cité de Dieu et Cité de Satan)!
Chính trong chiều hướng này mà chúng ta nói rằng, đối với chúng ta, Tin Mừng rất là chuẩn (normatif). Nó đưa ra những nguyên tắc, chiếu dọi ánh sáng, đặt ra luật lệ, soi sáng cho những thế hệ tương lai bằng một thứ ánh sáng không bao giờ tắt. Tất cả những gì chúng ta biết và tin về ma quỷ đều bắt nguồn từ các cuốn Tin Mừng. Đối với Kitô hữu, sự hiện hữu và tính bất lương của ma quỷ là một tín điều phải tin. Định mạng của chúng ta cũng tương tự như định mạng của các thiên thần hay của ma quỷ. Chúa Giêsu nói:Chúng ta sẽ được thấy Thiên Chúa như các thiên thần đang thấy, hoặc chúng ta sẽ bị chúc dữ như Satan và đồng bọn của nó.
Cần phải nói và nhắc lại tất cả các điều đó trước khi chúng ta trở về với những sự kiện đương thời về chuyện đó. Và để đi từ Phúc Âm tới những dữ kiện của thời đại, chỉ cần một khoảnh khắc nhanh chóng!
Một cách tổng quát, chúng ta phải coi chừng hai nguy hiểm này: một là đặt quá nặng về vấn đề ma quỷ, hai là đặt quá nhẹ, coi nó như không có. Có những thế kỷ chỗ nào người ta cũng thấy có ma quỷ, rồi lại có những thế kỷ người ta không còn muốn thấy ma quỷ ở đâu nữa. Hai thái cực này đều sai lầm như nhau, dối trá như nhau, do đó đều phát xuất từ Satan, là cha đẻ của mọi sự dối trá.
Không thể nói rằng những Kitô hữu nguyên thuỷ bị ám ảnh về những tác động của ma quỷ. Chúng ta có thể trưng dẫn những đoạn văn của Phêrô và Phaolô, những đoạn văn luôn luôn thức thời mà chúng ta phải coi là sát với thực tế. Chúng ta phải chiến đấu với ma quỷ. Đời sống luân lý chỉ là một cuộc chiến đấu. Có một cái gì khác hơn là thịt và máu. Con rồng (tượng trưng cho ma quỷ) vẫn luôn luôn hoạt động. Trong sách Khải huyền, thánh Gioan đã nói tất cả những gì phải nói về sự biến thiên, thăng trầm của lịch sử Kitô giáo. Nhưng chắc chắn rằng "con rồng" đóng một vai trò quan trọng hàng đầu. Những thời bị bách hại xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử Giáo Hội, chắc chắn là do ma quỷ. Mặt khác, chắc chắn rằng các Kitô hữu đầu tiên coi việc thờ phượng các tượng thần của ngoại giáo là thờ phượng ma quỷ. Những thần ngoại giáo dưới con mắt của họ đều là ma quỷ.
Tuy vậy, khi bàn tới tất cả những điều đó, chúng ta không cho rằng các Giáo phụ đã từng nói quá đáng. Thánh Augustino đã thấy rõ hai thành trì. Ngài đã mô tả hai thành trì đó một cách rõ ràng, quả quyết, với một nhãn quan rộng lớn của một thiên tài về tâm linh.
Đôi khi ta thấy ngài bi quan, nhưng bi quan về một lý do hoàn toàn khác không phải vì nhãn quan thần học của ngài về ma quỷ. Ngài không chỉ quy cho ma quỷ tất cả những gì là đen tối trong hành động của con người. Chúng ta cũng có phần trách nhiệm trong đó. Trái lại, chúng ta nghe thánh nhân xác nhận về ma quỷ rằng "con chó đã bị xiềng lại" - chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau. Ma quỷ không thể làm gì chống lại chúng ta mà không do chúng ta. Chính vì chúng ta đồng ý mà ma quỷ mới có sức mạnh. Chính vì chúng ta chống lại mà ma quỷ trở thành yếu đuối.
Những câu chuyện quỷ quái nhất từ thời xa xưa của Kitô giáo mà chúng ta nghe kể đều xuất phát từ những câu chuyện của các Giáo phụ trong sa mạc. Thánh Antôn đã đánh nhau xáp lá cà với ma quỷ. Những vị ẩn tu ở Thébaide, các tu sĩ thuộc mọi dòng tu và mọi thời đại đều có chuyện lôi thôi với Satan. Ở dòng chúng tôi có thánh Martin, ngài có ít nhiều kinh nghiệm về ma quỷ. Tuy nhiên, chúng ta có thể liếc mắt qua những trang sử thời Trung Cổ, lật giở những trang sách của các nhà thần học kinh viện cỡ lớn để tìm hiểu về ma quỷ, mà khỏi phải sợ thấy ma quỷ hiện lên. Các tác giả đặc biệt nghiên cứu về văn chương thời Trung Cổ liên quan tới những hiện tượng quỷ nhập hay những trò ma thuật đều cho rằng: Những bậc đại sư - như Albertô Cả, Tôma Aquinô, Duns Scot - có khuynh hướng bác bỏ những phép lạ mạo danh của các thầy phù thủy. Rồi vào thế kỷ XV, Gerson và triết gia cuối cùng theo chủ nghĩa duy danh là Gabriel Biel đã chống đối nhau: người trước thì xác nhận, người sau thì phủ nhận quyền năng của ma quỷ trên trần gian này.
Năm 1486, một tác phẩm được viết nhằm gây một ảnh hưởng rộng lớn đã hướng dẫn cả một thế kỷ đến những cực đoan rõ rệt và thảm khốc nhất.
Đó là cuốn Malleus maleficarum (cái búa của các Thầy phù thủy) do hai tu sĩ dòng Đa Minh người Đức viết: Jacques Sprenger và Henri Institoris, ông trước làm giáo sư ở đại học Cologne, ông sau làm pháp quan (inquisiteur) ở Thượng du nước Đức. Tác phẩm được phổ biến rất nhanh chóng. Trong hai thế kỷ XV và XVI, cuốn sách được xuất bản 28 lần. Đó là cẩm nang về Cách trừ quỷ của các phù thủy. Và tác phẩm này đã làm lay chuyển toàn bộ nền văn chương nói về chuyện ma quỷ thời đó. Không thể kể hết được tựa của những tác phẩm được xuất bản dành cho các vị pháp quan và các vị giải tội sử dụng vào thế kỷ XVI. Những tác phẩm này chỉ bàn đến những chuyện ma thuật và những giao ước kí kết với ma quỷ. Vào đầu thế kỷ XVII, các tác phẩm loại này tràn ngập thị trường. Trong đó, người ta nói về hiện tượng quỷ nhập với những chi tiết rùng mình ghê sợ, về những yêu quái, ma cà rồng, yêu tinh, những vị thần quen thuộc... Năm 1603, một tác giả là Jourdain Guibelet xuất bản cuốn Luận về triết học (discours philosophique). Cái tựa hấp dẫn của cuốn sách chỉ dùng để che dấu ở bên trong một khảo luận về các loại quỷ dâm dục, nghĩa là về các quan hệ xác thịt với ma quỷ.
Thư viện của Yves Plessis chỉ gồm toàn những tác phẩm của Pháp bàn về hành động của ma quỷ, không dưới hai cuốn. Thời đó, dư luận quần chúng có xu hướng coi bệnh tật nào về thể xác con người cũng đều có ma quỷ trong đó cả. Émile Brouette, trong cuốn Satan của bộ sách Études carmélitaines (những nghiên cứu của các tu sĩ Cát Minh, trang 363) đã trích dẫn những hàng chữ này của một tác giả nổi tiếng là Ambroise Paré: "Tôi cho thuốc, còn Thiên Chúa chữa lành", "Tôi nói với Hipprocate là cha đẻ của y khoa rằng: trong các bệnh tật, có một cái gì thần thánh mà con người không cắt nghĩa được... Có những tay phù thủy, những tay chế thuốc độc, những tay đầu độc người khác một cách độc ác, quỷ quyệt, lừa đảo, tạo may mắn cho mình bằng những giao ước kí kết với ma quỷ. Ma quỷ sẵn sàng phục vụ họ, giúp họ phá hoại thân thể, trí tuệ, mạng sống và sức khoẻ của con người và những tạo vật khác bằng những phương tiện tinh vi, ma quái và bí hiểm".
Có thể nói rằng vào thế kỷ XVI, đã phát sinh ra một trào lưu tưởng tượng thiếu lành mạnh về ma quỷ. Chỗ nào người ta cũng thấy có ma quỷ. Người ta tưởng tượng ra ma quỷ phá phách đủ kiểu đủ cách. Cuộc bút chiến của đạo Tin Lành vừa được thành lập chống lại Công giáo chủ yếu nói về ma quỷ. Ngay từ đầu, tổ chức tự xưng là Giáo Hội Tin Lành Cải cách cứ bị ám ảnh về những chuyện ma quỷ. Nếu trước thời Luther và Calvin người ta đã bắt đầu truy lùng các tay hành nghề phù thủy, thì hai ông này không những đã không làm gì để ngăn cuộc truy lùng đó lại, mà còn dựa vào Thánh Kinh, vào Cựu Ước và Tân Ước để cho phép và khuyến khích các cuộc truy lùng đó. Ông Brouette viết: "Luther, Mélanchton và Calvin tin vào những chuyện ma quái. Còn đồ đệ của họ, là những tay giảng đạo cuồng tín, chỉ làm cho những người trở lại với Phúc Âm đã dễ tin lại càng dễ tin hơn vào những chuyện ma quái đó" (Sách đã dẫn, trang 367)
Ông Brouette đã đưa ra những con số không thể tin được về số lượng những vụ án ma thuật. Quả thật ông ta đã "hết sức thận trọng và vì ích lợi cho mọi người" khi đưa ra những con số này. Ông nói:
"N. Van Werveke thẩm định có 30 ngàn vụ án được đem ra xử trước các toà án ở Luxembourg. L. Raiponce, trong cuốn Essai sur la Sorcellerie (Khảo sát về ma thuật, trang 64), có đưa ra một con số vừa phải hơn, ông cho rằng có 50 ngàn vụ hành quyết trong nước Đức, Bỉ, Pháp. A. Louandre trong cuốn La Sorcellerie (Ma thuật) viết rằng vào thế kỷ XVI, tại Lorraine, trong vòng 15 năm, có 900 người hành nghề phù thuỷ bị hành quyết; tại Genève năm 1515, trong ba tháng, có 500 người; tại giáo phận Côme, trong vòng 1 năm, có 1000 người. Theo J. Francais thì tại Strasbourg, trong 3 năm, có 25 vụ ma thuật bị xử thiêu. Theo G. Save, trong cuốn La Sorcellerie à Saint Dié (Ma thuật ở Saint Dié), từ năm 1530 đến 1629, tổng số những vụ kiện cáo chống ma thuật tại quận Saint Dié lên tới 230 vụ. Theo C.E. Dumont, trong cuốn Justice criminelle des Duchés de Lorraine (Những vụ án hình sự tại các quận vùng Lorraine) quyển 2 trang 48, từ năm 1553 đến 1669, có 740 vụ án. Nếu có một cuốn danh mục ghi lại đầy đủ các vụ án về ma thuật, thì chắc chắn nó phải là một tác phẩm đọc "mệt nghỉ".
Trái với dư luận được các sử gia nổi tiếng nhất tin tưởng thời đó, sự thực không phải là tới cuối thế kỷ XVI, việc đàn áp ma thuật mới lên đến cực điểm. Các vụ trấn áp này tới thế kỷ XIV còn rất hiếm, có lên cao là ở thế kỷ XV. Các vụ án rầm rộ lên nhiều từ năm 1530, nghĩa là trong tiền bán thế kỷ XVI. Nửa thế kỷ đầu cũng đổ máu nhiều như nửa thế kỷ sau, chúng tôi muốn nói từ năm 1580 đến 1620 là dữ tợn nhất.
Có lẽ người ta không thể sai lầm nhiều lắm khi cho rằng phần lớn việc phát sinh thứ văn chương nói về ma quỷ được bộc phát rõ ràng sau năm 1530 là do Luther và giáo phái Tin Lành. Đó là ý kiến của Đức Cha Janssens trong cuốn La Civilisation en Allemagne (Nền văn minh ở nước Đức) bộ lịch sử vĩ đại của Ngài. Ngài viết: "Thời đó, một loại văn chương chuyên nói về ma quỷ rất đa dạng và cũng rất quan trọng phát triển. Tại Đức, hầu như nó chỉ bắt nguồn từ giáo phái Tin Lành, và nó phù hợp từng điểm một với giáo huấn của Luther và giáo phái của ông".
Chắc chắn trong toàn bộ giáo thuyết của Luther, ông đã gán cho ma quỷ một vai trò quan trọng hơn rất nhiều so với vai trò mà người ta đã gán cho ma quỷ trước thời của ông. Ông tự nhận ông có những bằng chứng cá nhân về việc làm của ma quỷ. Phải, chính ông đã thấy Satan. Ông quả quyết như vậy với bất cứ ai. Ông viết:
"Satan thường hiện ra dưới một lốt giả trang. Chính tôi tận mắt thấy nó hiện dưới lốt một con heo, một bó rơm đang cháy,...".
Ông kể lại cho bạn ông là Myconius rằng: vào năm 1521, tại Wartburg, ma quỷ đến gặp ông định giết ông, và ông thường gặp nó trong vườn dưới lốt một con heo rừng màu đen. Năm 1530, tại Coburg, vào một đêm kia, ông nhận ra nó dưới hình một ngôi sao. Ông viết:
"Nó đi dạo với tôi trong phòng ngủ và giao cho hai con quỷ trách nhiệm canh chừng tôi... Đó là những con quỷ pháp quan".
Ông thuật lại chi tiết những cuộc nói chuyện của ông với quỷ. Ông kể những trường hợp "rất xác thực" Satan mưu hại người ta, do bạn bè ông kể lại cho ông. Tại Sessen, có ba người đầy tớ bị quỷ bắt sống đem đi: trên đường đi, Satan đã vặn cổ ông chủ quán trọ và đã đem một tên lính lên trên không. Tại Muhlberg, một người say rượu đang chơi sáo cũng bị như thế. Tại Eisenach, một người chơi sáo khác cũng bị quỷ đem đi, dẫu mục sư Justus Menius và nhiều thầy truyền đạo khác thường xuyên canh chừng và giữ cẩn thận các cửa ra vào cũng như các cửa sổ của căn nhà mà nạn nhân đang ở. Người ta tìm lại được xác của người chơi sáo thứ nhất trên một dòng suối, và xác của người thứ hai trong một bụi cây phỉ (noisetier). Luther xác nhận tất cả những sự kiện trên một cách trang trọng. Ông nói:
"Đó không phải là những chuyện trên mây trên gió, được bịa ra để cho người ta sợ đâu, cũng không phải là những chuyện trẻ con như những người ham được khen là thông thái chủ trương, mà là những dữ kiện có thực, đã thực sự gây kinh hoàng cho nhiều người". Ông còn nói: "Những con quỷ bị thất bại, bị xỉ nhục, bị đánh đập đã trở thành những con yêu tinh, vì có những con quỷ bị thoái hóa, và tôi có xu hướng tin rằng những con quỷ chính là những con quỷ thoái hoá ấy".
Ông ta có vẻ ưng ý với điều ông ta vừa phỏng đoán, vì ông cứ nhấn mạnh điều đó. Ông nói:
"Loài rắn và loài khỉ ưa bị ma quỷ nhập hơn những loài khác. Satan ngự trong những con vật đó. Nó nhập vào chúng và dùng chúng để gạ gẫm con người, và nhất là để làm hại con người. Ma quỷ cư ngụ ở rất nhiều quốc gia, nhưng đặc biệt nhiều hơn ở nước Phổ. Ở Laponie cũng có rất nhiều quỷ và các nhà ma thuật. Tại Thuỵ Sĩ, cách Lucerne không xa, trên một ngọn núi rất cao, có một cái hồ gọi là "hồ Philatô": ở đó, ma quỷ làm đủ mọi thứ xấu xa ô uế. Trong xứ của tôi, có một ngọn núi cao gọi là Polsterberg - là núi của quỷ - trên đó, có một cái hồ, khi có người ném xuống đó một viên đá nhỏ, thì lập tức có một cơn bão nổi lên, và cả vùng chung quanh đều bị tàn phá. Hồ này đầy dẫy ma quỷ: Satan đã giam giữ chúng ở đó" (tất cả những bản văn này được Đức Cha Janssens trích dẫn trong tác phẩm đã nêu trên, cuốn 4, trang 433).
Luther nói như vậy không phải trong những lá thư riêng tư của ông, hay trong những câu chuyện khi ăn cơm. Ngay trong những bài ông giảng, những điều nói về ma quỷ có một chỗ đứng quan trọng. Năm 1520, khi chưa hoàn toàn tách ra khỏi truyền thống Công giáo, ông đã tuyên bố rằng: khi ma quỷ và những người tội lỗi phạm tội về điều răn thứ nhất là họ tự chuốc lấy sự thất bại trong các công việc mình thực hiện, và chuốc lấy bất hạnh cho định mạng của mình. Nhưng về sau ông thấy chỗ nào, việc nào cũng có ma quỷ nhúng tay vào. Trong bộ Grand Catéchisme (Giáo lý yếu lược) của ông xuất bản năm 1529 bao gồm những ý niệm quen thuộc nhất của ông, ông dạy rõ ràng rằng chính ma quỷ xui khiến người ta gây lộn, ám sát nhau, gây mầm phản loạn, chiến tranh, và những tai hại có tính cách lâu dài như chúng ta sẽ nói đến sau này. Và cũng chính nó gây ra sấm sét, bão bùng, mưa đá khiến cho mùa màng bị tổn thất, súc vật bị chết và không khí bị nhiễm độc. Như thế thì không biết ông ta sẽ nói sao khi thấy những chiếc xe hơi thời nay nhả khói làm ô nhiễm môi sinh thành phố?
"Ma quỷ không ngừng đe doạ đời sống của các Kitô hữu. Nó thích chí đổ xuống trên họ đủ mọi thứ đau khổ và tai hoạ để phá họ. Vì thế, biết bao nhiêu người đã chết một cách đau khổ: người bị cắt cổ, người mắc chứng điên loạn. Chính chúng ném con nít xuống sông, chúng khiến cho người té ngã có thể chết được".
Ông cho rằng quyền hạn của ma quỷ rất lớn. Ông viết:
"Ma quỷ rất tài tình, chỉ cần một lá cây là nó có thể làm người ta chết được. Nó có nhiều thứ thuốc, nhiều loại độc dược hơn tất cả thuốc của các nhà bào chế trên thế giới hợp lại. Ma quỷ không ngừng đe doạ đời sống con người bằng những phương tiện riêng của nó, chính ma quỷ làm không khí trở nên độc hại".
Đó không phải là những bản văn riêng lẻ hay ít gặp trong tác phẩm của Luther. Người ta đọc thấy nhiều quả quyết khó tin do ngòi bút ông viết ra. Chẳng hạn, ông chắc chắn rằng có những thiếu nữ bị ma quỷ lạm dụng khiến cho có thai vì tác động của nó, và những đứa trẻ được sinh ra do sự kết hợp ô trọc này là con của ma quỷ, chúng không có linh hồn. Theo ông, chúng chỉ là những "đống thịt", và ông đưa ra lý lẽ không thể chối cãi là "ma quỷ có thể tạo dựng một thân xác, nhưng không thể tạo nên linh hồn cho thể xác ấy được. Vì thế, linh hồn của những đứa trẻ ấy chính là Satan!" Và ông kết luận một cách giáo điều rằng:
"Chẳng phải thật khủng khiếp và ghê tởm khi nghĩ rằng Satan có thể làm cho người ta đau khổ như thế, và chúng có quyền năng sinh ra những em bé đó sao? (Tác phẩm đã dẫn, trang 436, của Đức Cha Janssens)
Chắc chắn rằng đối với Giáo hội Tin Lành cũng như các tác giả của Giáo phái Tin Lành, những quả quyết của một người có uy tín như thế được lập đi lập lại một cách trang trọng như thế thì không thể nào không có ảnh hưởng. Trong hầu hết các bài giảng của hàng giáo sĩ Tin Lành, những câu chuyện về ma quỷ đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Văn chương bình dân bị tràn ngập bởi vô số những câu chuyện về ma quỷ.
Một tay bút chiến Công giáo người Đức, Jean Has, đã bất bình về việc các sách bàn về ma quỷ được viết ra quá nhiều. Năm 1588, ông viết:
"Trong có mấy năm mà người ta đã xuất bản và phổ biến vô số sách về ma quỷ, những cuốn sách đó được viết nhân danh ma quỷ, được in ra nhân danh ma quỷ, được bán và được đọc một cách thích thú nhân danh ma quỷ: người ta coi trọng những sách đó, và các tác giả những cuốn sách đó lại nổi tiếng trong số tất cả những người tự xưng là rao giảng Lời Chúa!".
Ông viết thêm:"Ngày xưa, các Kitô hữu đạo đức cấm con cái của mình không được kêu tên thần Ác, thậm chí không được ám chỉ ma quỷ bằng những biệt danh của nó. Theo lời của Salomon thì không được lấy danh ma quỷ mà thề thốt: 'Khi một người tội lỗi nhân danh ma quỷ mà nguyền rủa ai, thì họ đã tự nguyền rủa chính linh hồn mình'. Thế mà hiện nay, người ta rao giảng về ma quỷ, người ta viết sách nhân danh ma quỷ, và coi việc làm đó là đúng và đáng khen. Tôi có thể nói đúng cái lý do của sự việc đó cho các bạn: ông ta chính là ông tổ của 'các nhà rao giảng Tin Mừng' của chúng ta, chính 'thánh tổ phụ' Martin Luther đã đầu tiên nêu gương đó".
Năm 1595, một "tổng giám sự", nghĩa là một giám mục giáo phái Luther, là Ándre Célichius, đã xuất bản một khảo luận trọn bộ nói về Hiện tượng quỷ nhập để biện minh cho sự việc đó. Bằng những lời lẽ sau đây, ông tuyên bố rằng ông coi cuốn sách của ông là cần thiết:
"Hầu như khắp nơi, xa cũng như gần chúng ta, số người bị quỷ nhập nhiều đến độ người ta phải ngạc nhiên và lo sợ, có thể đó là một tai ương thực sự giáng xuống quốc gia của chúng ta và tất cả mọi người sống trong đó - giống như nước Ai Cập xưa - vì đã bị kết án phải hư mất!"
Ông ta thẩm định rằng tại xứ sở của ông ta, là Mecklembourg, có ít nhất 30 người bị "quỷ nhập" đang gieo sợ hãi và kinh hoàng ở khắp nơi! Ông viết:
"Những người yếu đuối và nhút nhát, các phụ nữ và thiếu nữ hết sức bối rối vì tất cả những gì họ phải thấy và nghe một cách miễn cưỡng. Rất nhiều người từ chối đức tin và đức ái vì họ đã nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, nó dụ họ sống phản đạo và thờ lạy hình tượng..."
Và ông đã dành nhiều chương dài để mô tả sự tàn phá của ma quỷ vào thế kỷ ông đang sống!
Thôi, chúng ta hãy ngưng những kỷ niệm đáng buồn ấy tại đây. Vào thời đại của chúng ta, những chuyện quá đáng ấy chắc chắn không thể xảy ra nữa. Đã tới lúc phải tìm hiểu những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Satan trong thế giới hiện nay. Về vấn đề này, trước tiên chúng ta sẽ bàn tới những gì xảy ra ở nước Pháp vào thế kỷ XIX liên quan tới ma quỷ.
Có thể kể một cách nghiêm chỉnh không bịa đặt những "câu chuyện về ma quỷ" của thời đại gần với chúng ta như thế không? Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi trên bằng những gì chắc chắn, đồng thời tránh tất cả những gì là quá lố.
truyen nguoi lon | wap8x.mobi| anh tu suong|truyen teen | tai apk tai game android | kho tai game java kho tải game android | Game cho android | game android free tai game java| truyen teen | kho game|sms chuc tet 2013 | tin nhan sms|game dua xe|kho game android
| goc anh sex | game mobile | game hot|sms 8-3 I anh sex 2013Itruyen it
wap viet
<