“Thì con lau đi, có chút xíu thôi mà cũng la lối um sùm”. Con bé vùng vằng không trả lời.
Từ đó, vợ tôi không còn vui vẻ, xởi lởi khi khách đến nhà như trước. Chuyện đến tai các chị em tôi. Thế là hết cô em út đến bà chị hai cứ gọi điện thoại lên tra vấn. Cô em út của tôi còn bảo: “Bà con ở quê đâu có được học cao hiểu rộng như vợ anh. Có gì thì ráng nhịn chớ mặt nặng, mày nhẹ như vậy, má với tụi em dưới này mất mặt. Vợ anh cũng còn phải về quê giỗ quải nữa mà. Gặp mặt bà con rồi biết ăn làm sao, nói làm sao? Hồi trước chị đâu có như vậy?”.
Ừ, hồi trước, vợ tôi đâu có vậy. Tôi kể lại với Ngân điều này với mong muốn vợ chia sẻ với mình, nào ngờ cô nổi giận: “Hồi trước tụi mình còn nghèo, có ma nào tới nhà đâu? Thậm chí, khi em về đám giỗ nhà anh, cũng không ai đếm xỉa gì tới mặt... Vậy thì bây giờ họ có quyền gì mà nói này nọ?”.
Càng nghĩ, tôi càng thấy khó xử. Có thể vợ tôi có lý. Công việc hằng này vốn đã tạo ra nhiều áp lực cho các thành viên trong gia đình, ngay cả bản thân tôi cũng muốn ngôi nhà của mình là một nơi chốn bình yên để trở về sau một ngày làm việc căng thẳng. Thế nhưng, giờ đây mọi chuyện đã không còn như trước. Không khí ấm áp, bình yên đã bị phá vỡ bởi những người khách ở quê lui tới thường xuyên.
Tôi không thể trách họ, cũng không thể trách mẹ và các chị em của mình; càng không thể trách vợ con. Mấy ngày qua, không có bàn tay của Ngân, mọi thứ bỗng trở nên nhếch nhác, lạnh lẽo vô cùng.
Tôi phải giải quyết chuyện này sao đây?