“Được rồi. Tôi để cái nhà đó cho anh với bà con, dòng họ của anh ở luôn”. Tôi hình dung ra nét mặt giận dữ của vợ tôi lúc đó nhưng bản thân tôi cũng không kìm được tức giận: “Thì cứ đi luôn đi!”...
Ngân gọi điện về cho tôi, bảo là sẽ ngủ bên nhà ngoại vì mai là chủ nhật. Tôi bực bội: “Em với mấy đứa nhỏ làm sao vậy? Riết rồi cái nhà này thành nhà hoang. Buổi trưa thì tụi nhỏ không về, giờ lại tới lượt em là sao?”. Ngân nói khẽ nhưng rõ ràng từng tiếng: “Em với mấy đứa nhỏ đi để cái nhà đó cho mấy người bà con của anh ở”.
Ra là vậy. Tôi càng bực mình: “Em ăn nói kiểu gì vậy?”. “Thì anh đã nghe rồi đó. Chừng nào mấy người bà con của anh cuốn xéo thì em về”- Ngân dằn từng tiếng.
Chưa bao giờ tôi thấy vợ nổi nóng và nói năng thô lỗ như vậy. Theo phản xạ tự nhiên, tôi quát: “Em là cô giáo mà ăn nói mất dạy như vậy hả? Chả trách sao bây giờ học trò lại giống như một bọn lưu manh”.
Khi nói điều này, tôi đã quên mất rằng, đối với vợ, xúc phạm đến nghề nghiệp là điều cấm kỵ. “Được rồi. Tôi để cái nhà đó cho anh với bà con, dòng họ của anh ở luôn”. Tôi hình dung ra nét mặt giận dữ của vợ tôi lúc đó nhưng bản thân tôi cũng không kềm được tức giận: “Thì cứ đi luôn đi!”.
Cứ tưởng Ngân chỉ doạ thôi, không ngờ hôm sau rồi hôm sau nữa vẫn không thấy về. Tôi bỗng thấy lo. Gọi điện thoại, cô ấy không bắt máy. Chuyện vợ chồng giận nhau đôi khi vẫn xảy ra nhưng chưa lần nào nghiêm trọng như vậy. Mấy người bà con dưới quê đang ở nhờ trong nhà tôi cũng lấy làm lạ. Tôi đành phải nói dối là vợ tôi đi công tác.
Tôi chẳng nhớ từ khi nào, nhà mình lại trở nên lắm khách như vậy. Có lẽ là từ khi chúng tôi xây lại nhà mới khang trang, rộng rãi hơn. Mới đầu chỉ là các chị em, con cháu của tôi có việc lên thành phố đến ở vài hôm. Nhưng dần dần, bà con xa, láng giềng gần, thậm chí có người chị chẳng biết quan hệ thế nào, hễ có việc lên Sài Gòn thì lại tìm đến. “Bác Tư, cô Tư, thím Tư, bà Tư...” – tức mẹ tôi, được nhắc đến như là tấm giấy giới thiệu cho họ bước vào nhà.
Có lần khách khứa đông đúc ngay lúc vợ tôi phải coi thi, chấm thi nên cô ấy khó chịu: “Anh à, hay là anh nói mẹ đừng giới thiệu người ta tới ở nhà mình nữa. Anh đi làm, em đi dạy, tụi nhỏ cũng đi học cả ngày, không có ai coi nhà...”.
Tôi đã hỏi rồi, mẹ tôi không giới thiệu, mà người “điềm chỉ” chính là bà chị tôi. Chị đi khoe khắp đầu làng cuối xóm: “Nhà vợ chồng thằng Nam rộng lắm. Con Ngân, vợ nó lại hiền lành, đảm đang. Mọi người cứ tới đó. Cơm nước có tụi nó lo. Lâu lâu bà con mình dưới quê lên, không lẽ tụi nó làm lơ sao mà sợ?”.
Thú thật, tôi không biết nói sao để từ chối. Mà cũng không nỡ từ chối những người bà con lam lũ ấy.Điều phiền phức nhất là, họ cứ quen như khi ở quê: mang giày dép vô nhà; quần áo vứt lung tung; không bao giờ tắt đèn, quạt, tivi khi ra khỏi phòng; mở tivi thì vặn volum hết cỡ. Có hôm còn quên khoá vòi nước để nước chảy lênh láng khắp nhà. Ngọc Châu, cô con gái út của tôi la oai oái: “Trời ơi, ai mở nước mà không tắt để ngập nhà rồi! Ai làm thì đi lau nhà, dọn dẹp nghen”.
Tất nhiên là không ai dám đứng ra tự nhận mình đã quên khoá vòi nước. Thế là Ngân phải hì hục lau dọn. Bé Ngọc Châu nóng ruột mẹ, lại kêu toáng lên: “Ai làm thì ra lau nhà đi chứ, nếu không thì mai mốt đừng có ở đây nữa”. Tôi thấy kỳ nên gọi con vào phòng rầy nó: