Tôi xin gửi đến mọi người câu chuyện của cuộc đời mình. Dĩ nhiên, để cho phù hợp với thể loại truyện ngắn, tôi đã điều chỉnh sắp xếp lại cho lôgíc. Câu chuyện dưới đây là một trong những điều tôi đã trải qua trong đời làm thầy, nếu xét thấy phù hợp thì TGVH tuyển chọn, còn không thì... xem như là mua vui không đặng vậy thôi!
Thật ra, tôi nghĩ mãi không biết đặt tựa đề là gì cho phù hợp với những gì mình đã nghe, thấy và biết. Thôi thì cứ đặt đại là "Một cõi âm dương", vì trong cõi tạm này, người dương, kẻ âm đang lẫn lộn. Khác chăng là ta không thấy, không biết họ mà thôi.
Chiều xuống nhanh, cái ánh sáng vàng vọt mặt trời xuyên qua tàng cây trứng cá rọi xuống chiếc võng tôi đang nằm. Những cơn gió nhè nhẹ thổi rung cành lá, từng đốm sáng lấp lánh nhảy múa quanh võng tôi như trêu ghẹo. Tia sáng đã nhạt rồi, không còn cảm giác gay gắt như lúc nãy. Giá như trước đây, giờ này tôi đã leo lên sân thượng luyện mặt trời. Mới nghĩ đến thôi, cả người tôi bỗng chạy rần rật như điện chạy, trong đầu tôi vang lên ong ong câu chú “Án thiết toà thần lai ứng hiện…”. Nhưng tôi liền gạt phắt sang một bên không muốn nhớ tới. Giờ đây, những tia sáng yếu ớt này không còn đủ ma lực quyến rũ tôi như trước nữa. Tôi bỏ tất cả, kể từ cái ngày định mệnh ấy…
Đó là cái ngày đứa em trai út của tôi bị tai nạn giao thông mà chết. Tôi không có mặt ở nhà để được nhìn mặt em lần cuối. Đâu có ai hiểu hết nỗi đau khổ của tôi, một người làm thầy, đoán biết khí số của em mình đã tận mà không cách gì cứu vãn được. Dù sư công tôi có khuyên nhủ rằng đó lá định số, nhưng tôi vẫn không cam lòng. Ngày mồng Năm tháng Năm, nhận được điềm báo tử, tôi tính ra điềm báo ứng vào tháng Sáu. Tôi vội vã trao cho em tôi bài kinh Tổ, chú hộ mạng , cả bức tượng Lục Tổ Magaham mà sư công tôi bỏ ra 21 ngày chú nguyện tơm phép. Tôi bắt buộc nó mỗi ngày phải thay tôi thắp nhang trì tụng, không được phép cởi dây chuyền và mặt tượng, không được uống rượu bia…Tôi thắp sẵn ngọn đèn bổn mạng của nó trên bàn thờ, ngày đêm canh chừng không cho đèn tắt… Vậy mà nó vẫn rời bỏ gia đình, bỏ cuộc đời này một cách dữ dội và đau đớn…
Bước sang ngày mồng Một, tôi kẹt đưa đoàn khách đi miền Tây ba ngày. Trưa hôm đó, một con bướm nhỏ bay vào trong bóng đèn và chết cháy, ngọn đèn cũng tắt theo. Tối hôm đó, vì lỡ uống rượu bia với đám bạn cũ, em tôi không dám đeo tượng . Nó cũng không dám đọc kinh chú, chỉ lặng lẽ thắp hương… để rồi sau đó một giờ, trong lúc băng qua đường, nó bị xe hàng cán chết…
Từ ngày đó, tôi bỏ công việc,từ chối gặp gỡ bạn bè, đồng đạo, tự nhốt mình trong nhà, rút vào trong vỏ ốc của sự cô đơn vằn vặt… Cô Hai Xa Cảng đã về từ lâu, mặt trời cũng đã mất hẳn cuối chân trời phía Tây, chỉ còn lại một quầng sáng đỏ hắt lên bầu trời ảm đạm. Tôi khẽ đung đưa chiếc võng, không khí mát dịu nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy nặng nề u uất. Tiếng cô Hai Xa Cảng vẫn còn văng vẳng trong đầu:
- Cậu Hai nghĩ lại đi. Người ta đang cần cậu giúp đỡ, cậu lại nỡ khoanh tay làm ngơ sao? Cứu một người bằng xây bảy cảnh chùa, huống chi bây giờ cậu cứu cả nhà người ta, cả người sống và người
chết!
Cô Hai đâu có hiểu tâm trạng của tôi lúc này. Cứu làm gì khi vận mệnh của mình còn không biết sẽ ra sao. Tôi đâu phải là Phật thì làm gì có thể hoá độ mọi người chứ! Ngay đến em tôi, tôi còn không cứu được nữa là…
- Cậu Hai suy nghĩ lai nghe! Nếu cậu đồng ý, tôi thuê xe rước cậu về Mộc Hoá liền. - Câu nói vẫn còn dư âm, nhưng tôi chỉ thở dài và chìm vào trong giấc ngủ nặng nề…
Tôi đang đi trên một con đường bờ mấp mô, nhỏ hẹp. Trước mặt tôi là một cánh đồng trải dài. Lúa đã gặt sạch chỉ còn trơ gốc rạ vàng úa, cằn cỗi. Xa xa, thấp thoáng rặng dừa nước. Chắc là phía ấy có nhánh sông hay rạch gì đó. Không gian ảm đạm như buổi chiều tà tắt nắng sớm, dường như có một chút khói sương đang giăng giăng mờ ảo. Tôi đứng lại ngơ ngác nhìn quanh. Bóng một người con gái thấp thoáng trên con đường bờ phía trước. Tôi rảo bước đi theo, còn kịp nhận ra chiếc áo bà ba bông tím hoa cà phất phơ trong màn sương khói. Tôi cất tiếng gọi, nhưng tiếng của tôi tan vào trong hư vô. Dường như cô gái cảm nhận tiếng kêu của tôi, cô đi chậm như nấn ná. Đến những lối rẽ, cô dừng lại hẳn như chờ đợi. Khi tôi tới gần, cô lại rảo bước đi nhanh. Tôi không nhớ là mình đã theo cô gái được bao lâu, chỉ biết là đi mãi... Đến một hàng tre rậm rạp, cạnh đó là một ngôi mộ đất có trồng cây chuối sứ, cô gái đột ngột quay mặt lại nhìn tôi. Đến lúc này tôi mới nhìn rõ gương mặt của cô. Phải nói rằng cô rất đẹp, một cái đẹp mặn mà chân chất của cô gái vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Nước da ngăm đen, chân mày thanh tú, đặc biệt là đôi mắt, nó cứ đen láy mở to và đượm buồn. Từ khoé mắt của cô, những giọt lệ cứ trào ra và lăn dài trên gò má . Tôi chưa kịp hỏi han gì thì cô bỗng mờ dần, mờ dần rồi tan biến trong màn khói sương hư ảo...
Tiếng còi xe làm tôi giật mình mở mắt, xung quanh tối đen, trong nhà đã lên đèn tự lúc nào. Tôi đưa tay nhìn đồng hồ- đã hơn chín giờ tối. Tôi đã ngủ quên gần bốn tiếng đồng hồ, như vậy những hình ảnh ban nãy chỉ là một giấc mơ. Tôi lại thở dài, cuộc đời này cũng đang là một giấc mơ không hơn không kém, thoáng nhớ đến hai câu trong bài sám hồng trần:
"Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng
Mơ màng trong một giấc nồng mà thôi"
Quơ tay xua đám muỗi háu ăn, tôi ngồi dậy lững thững đi vào nhà. Má tôi đã dọn cơm sẵn cho tôi tự lúc nào. Mâm cơm nguội ngắt.
Ba tuần sau tôi về công ty tiếp tục làm việc. Ở nhà mãi cũng chẳng làm gì. Suốt ngày ra vào an ủi nói chuyện cho nội và má tôi đỡ buồn. Đến giờ thì tụng kinh trì chú cho thằng em. Từ hôm nó mất đến nay, tôi không còn luyện phù nữa mà chuyển sang tụng kinh Di Đà và trì Vãng sanh thần chú. Tôi biết nó chết dữ như vậy khó mà siêu thăng Tịnh độ, nhưng chắc chắn nó sẽ được về cảnh giới Trung thiên để tu tiếp, chờ cơ hội trở lại nhân gian để hoàn tất đoạn nhân duyên cuối cùng của nó. Thỉnh thoảng tôi có thấy và trò chuyện với em tôi, tuy chỉ một hai câu thì nó biến nhưng tôi có thể đoán được phần nào.Những điều này, tôi không bao giờ dám kể cho gia đình nghe vì sợ nhắc đến chuyện buồn đã qua. Thấy nội và má tôi bình thường trở lại, tôi mới dám nhận tour mới.
Chuyến hành trình này xuôi theo quốc lộ dọc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo yêu cầu của khách. Trước ngày khởi hành, Giám đốc gọi tôi lên văn phòng nói nhỏ:
- Em cố gắng săn sóc tốt mấy vị này nhé. “Cớm” không đấy! Như sợ tôi chưa hiểu, Giám đốc giải thích thêm:
- Đây là đoàn cán bộ văn hoá của Trung ương đi thực tế tự do. Họ không muốn đón tiếp rườm rà nên xin kinh phí rồi tự hợp đồng với công ty mình hướng dẫn. Họ muốn có một người rành về miền Tây đưa đi…
- Trong công ty mình thiếu gì người am hiểu Nam Bộ…
- Ấy, rành thì có rành. Nhưng nghe nói đi với cán bộ Trung ương ai nấy đều rét. Tụi nó sợ ăn nói có gì thất thố… làm ảnh hưởng đến uy tín công ty.
Tôi cười buồn:
- Trung ương hay địa phương gì cũng là người cả thôi, làm gì phải cuống lên thế chứ.
- Anh biết rồi, nhưng đâu phải đứa nào cũng như em… Thôi anh cẩn thận dặn dò em trước, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nghe.
Hôm sau đoàn chúng tôi lên đường. Chuyến đi khởi hành ngày mồng Một, đúng ba tháng sau khi thằng em tôi mất.
Đến Long An, sau khi làm việc với Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh xong, lẽ ra đoàn đi thẳng đến khu Di tích Óc Eo như kế hoạch định sãn. Nhưng, anh trưởng đoàn chợt nhớ ra có người bạn thân đang làm cán bộ chủ chốt ở Huyện uỷ Mộc Hoá, đã lâu rồi hai người không có dịp gặp nhau. Thế là xe đổi hướng nhắm Mộc Hoá khởi hành…
Chuyện gặp gỡ hàn huyên của những người bạn thân xa cách lâu ngày thiết nghĩ chẳng cần phải kể vào đây. Sau phần xã giao, anhem đồng chí khoác tay nhau đến một quán lá bên bờ sông để làm tiệc tẩy trần, họp mặt. Rượu đế Gò Đen chính hiệu rót ra ly sủi tăm trong vắt, khăn lạnh đập nổ lốp bốp vui tai, không khí họp mặt có chút rượu bia bỗng tưng bừng rộn rã làm sao.Dĩ nhiên là tôi cũng được dự phần. Nhưng lấy cớ bị bệnh đường ruột, không ăn uống được đồ sống nên tôi tìm cách xin kiếu sau khi hẹn khách gặp lại vào sáng hôm sau. Thật ra, tôi không ăn được là một lí do. Sâu xa hơn, tôi không chịu được cái cảnh người ta đem cả thau cá lóc ra đập đầu từng con để
nướng trui. Những con cá lóc đen trùi trũi, to bằng cườm tay người lớn, bị đập đầu bôm bốp bằng khúc gỗ to,thân cá giãy lên đành đạch rồi giần giật những cơn run rẩy cuối cùng trước khi bị người ta xiên ống tre vào bụng đem lên than đỏ. Hay đau đớn hơn là cái cảnh lũ cá kèo đang nhảy lung tung trong rỗ, bị người ta trút thẳng vào nồi nước đang sôi. Cả lũ quẫy tung thiếu điều bung cả nắp nồi, những cái chết thảm khốc phục vụ cho buổi tâm tình họp mặt của những người bạn cũ… Nhìn cảnh ấy, tôi chợt nhớ đến đoạn phim tài liệu về nạn diệt chủng chiếu cách đây vài năm. Người ta cũng giết nhau bằng cách đập đầu như thế. Lòng nhân cuả con người tan biến trong cái lý tưởng u mê mà họ đang thờ phụng !!!
Tôi vừa bước ra ngoài vừa cúi đầu trì niệm hồi hướng cho lũ cá đáng thương kia: “ Um, gavira gam svaha”. Cầu cho tụi bây dứt sạch sự đau đớn trong nghiệp thức, cầu cho bây dứt sạch nỗi oán hận dày vò để hoá kiếp làm người, tự nhiên tôi nhớ đến câu văn của nhà văn Nam Cao : “kiếp người như kiếp tao chẳng hạn…”
Tôi thả bộ dọc theo nhánh sông nhỏ. Vài chiếc ghe hàng còn neo trên bến chờ mối, nắng xiên quai buổi chiều phản chiếu trên dòng sông lấp loáng. Đến chợ Mộc Hoá, tôi ghé vô một quán cà phê ven sông gọi ly chanh đá nhâm nhi. Cảm giác mát lạnh vừa ngọt vừa chua của ly nước cùng những cơn gió từ mặt sông thổi vào làm tôi sảng khoái hơn. Đang ngồi ngó mông lung, chợt có tiếng gọi mừng rỡ vang lên:
- Cậu Hai! cậu Hai!
Nghe giọng quen thuộc, tôi quay người nhìn lại. Cô Hai Xa Cảng đang bước vô quán, nét mặt đầy vẻ mừng rỡ:
- Cậu Hai đi đâu vậy? Sao cậu lại ở đây? Nhìn thấy cái lưng áo tui nghĩ ngay là cậu mà, cái dáng của cậu không lầm với ai được cả. Gặp cậu ở đây tui mừng quá xá. Thôi, vậy là ổn rồi…
Cô hai liến thoắng một tràng dài như đại liên bắn làm tôi nghe không kịp thở, cũng chẳng trả lời lại được tiếng nào. Bất giác tôi phì cười - nụ cười hiếm hoi từ khi thằng em tôi chết.
- Sao cậu cười vậy? - Cô Hai nhìn tôi ngơ ngác - Tui nói có gì hổng phải hả cậu?
- Không có, tại tôi thấy cô hỏi liên tục chẳng cho ai nói tiếng nào nên tôi cười vậy mà.
- Vậy hả, tui xin lỗi cậu nghe. Gặp cậu ở đây tôi mừng quá nên…
- Thôi, được rồi, cô ngồi xuống đi, bà con người ta nhìn kìa.
Cô Hai kéo ghế cái rột và ngồi xuống đối diện tôi, miệng cô vẫn còn cười toe toét lộ hàm răng trên sún hết mấy cái. Thấy cô tỏ vẻ vui mừng ra mặt, tôi cũng thấy xúc động.Nhìn cô, tôi nhớ lại cái ngày đầu quen biết với cô….
Bà Chín Linh nhi là một đạo hữu mà tôi quen biết trong một lần đi núi Cấm. Lúc ấy, trong đoàn hành hương của bà có người bị chư vị tá điển mà không xuất được, cả đoàn cuống quít khấn vái tứ tung. Tình cờ lúc đó tôi cùng sư huynh Minh Tịnh đi ngang qua. Thấy cô gái bị vật vã không thôi, chịu không được tôi liền xin một chén nước làm phép giải điển, nửa chén tạt vào mặt và rưới lên đầu, nửa chén còn lại cho cô uống. Sau khi cô gái tỉnh hẳn, chúng tôi tiếp tục lên đường. Bà Chín
chạy theo làm quen, vậy là tôi có thêm một đạo hữu mới.
Sở dĩ gọi là bà Chín Linh nhi vì chồng bà thứ Chín, gọi theo thứ của chồng. Phần của bà là thu thập các vong con nít về nhà lập trang thờ, hương khói mỗi ngày nghiêm túc. Mỗi khi có ai đó hiếm muộn đến nhờ vả cầu con,bà liền coi tướng trạng, hỏi tên tuổi,nghe mạch lý. Thấy được, bà liền đưa vào bàn thờ van vái Tử Tôn nương nương và xin quẻ âm dương. Được keo, bà đưa ngay ra phía sau nhà, nơi có gian thờ biệt lập để lựa con. Ở trong gian thờ, bà đóng thành kệ như bậc thang. Trên mỗi kệ bà để lủ khủ các con búp bê lớn nhỏ đủ kiểu đặt ở tư thế ngồi. Thân chủ có duyên với con búp bê nào, bà đưa con búp bê ấy đem về nhà để thờ, cho đến khi nào thân chủ có mang thì đem hoá nó đi.
Có một lần, bà Chín đi “thu gom” nhằm càn ranh con lộn thuộc loại oan gia trái chủ.Ngay tối hôm đó, gian thờ linh nhi của bà dậy rân trời tiếng trẻ con khóc thét, tiếng la hét, đùa giỡn, đập phá đồ đạc ầm ầm như một trận ác chiến. Cả nhà hoảng hồn mở đèn chạy vào xem thì mọi thứ vẫn nằm im lìm nguyên vẹn như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Sự việc ngày càng tệ hơn. Ở những đêm kế tiếp, phòng ngủ của từng người bị gõ cửa liên tục như sắp bị phá đến nơi, thức dậy mở cửa ra thì không có người nào. Ban đầu, lũ quỷ con chỉ phá lúc tắt đèn. Về sau, dù đèn mở sáng choang vẫn nghe mồn một tiếng la hét quậy phá của một bầy con nít. Sự việc lên đến cao trào khi đứa con gái đầu của bà Chín đang ngủ, đến nửa đêm nghe nặng ngực khó thở, mở mắt ra nhìn thì thấy một đứa trẻ mình mẩy máu me không đang ngồi chễm chệ trên ngực. Cô hoảng hồn la hét kinh hoàng đến nỗi hàng xóm xung quanh mở đèn chạy sang cứu giúp…
Bà Chín đã làm hết cách nhưng vẫn không hiệu quả, nhiều huynh đệ khác nhảy vào cúng bái kết cục vẫn như cũ. Cuối cùng,bà chợt nhớ đến tôi…
Ngày đầu tiên tôi đến cúng, mọi thứ có vẻ êm đẹp. Nhưng chỉ yên ổn đúng một đêm, qua đêm sau mọi thứ vẫn đâu vào đấy, thậm chí đám tiểu quỉ quậy còn bạo hơn lúc trước. Tức mình, tôi sử dụng ấn Tam Sơn quyết của Tổ sư truyền kết hợp với bùa trị càn ranh con lộn để khắc chế. Kết quả cũng chẳng ăn thua. Tôi đành chạy về cầu cứu thầy tôi. Thầy tôi nói từ trước đến nay chưa gặp trường hợp này nên chưa nghĩ ra cách tốt nhất, thầy khuyên tôi chạy về chùa gặp sư công một chuyến.
Sau khi nghe tôi thưa chuyện, sư công tôi cười nói:
- Con nít nó biết cái gì mà mày dùng Tam Sơn quyết, chẳng khác nào đem súng ra doạ đứa trẻ lên ba. Còn bùa trị Càn ranh con sát, con lộn chỉ có tác dụng khi nó đang ám người mẹ. Hiện tại, nó đang là quỉ linh nhi ở ngoài pháp phù không phát huy hiệu lực đâu.
- Vậy làm sao bây giờ hả sư công?
- Bản chất của trẻ con là nghịch ngợm, hiền lành. Đứa nhỏ con ranh kia sở dĩ dữ tợn như thế là do oan nghiệp tiền khiên đời trước nên nó mới đeo theo mà báo ứng đến giờ. Đạo hữu của con không biết nguồn cội, không xét thiệt hơn đã vội thu thập nó về, thử hỏi làm sao nó không quậy phá cho được.
Nghe sư công nói, tôi toát mồ hôi lạnh.
- Sư công ơi, con biết rồi. Làm sao giải bây giờ hả ông? Con cái bà Chín bỏ nhà chạy hết trơn, còn bà lo đến tóc hai bên thái dương bạc trắng luôn.
- Cái gì cũng có phép hoá giải cả. Oan có đầu, nợ có chủ mà. Con bảo đạo hữu của con đến nhà thân chủ là mẹ cuả đứa con lộn ấy, thuyết phục thân chủ thỉnh các sư về lập đàn tràng siêu độ cho đứa bé.
- Vậy là xong hả ông?
- Đâu có dễ vậy. Nếu vong nào cũng siêu độ được thì cần gì có thầy pháp hả con. Đó chỉ là bước đầu giúp nó tan bớt oán khí đi. Vong nó dữ tợn, mạnh bạo là do oán khí chất chồng, giải oán khi đi tức nhiên sức mạnh của nó phải sút giảm.
- Vậy là lúc đó có thể ra tay trị nó được rồi phải không ông?
- Sao lúc nào con cũng nghĩ đến chuyện đánh và trừng trị không vậy? Hồi truyền cho con mấy chữ phù Ngũ Lôi, thầy bay nói công dụng của nó để làm gì?
- Dạ, để đánh tà…
- Không phải đánh tà mà là chữa tà, giải tà.
- Vậy có gì khác nhau đâu sư công?
- Hiểu đúng công năng để hiểu rõ tôn chỉ của người làm thầy. Mục đích dùng Ngũ lôi là để răn đe, rồi hoá độ chứ không phải để hành hạ, trừng trị. Hiểu chưa?
- Dạ …
- Trong khi đánh tà, con phải khởi tâm từ bi mà biến thành phẫn nộ, có vậy mới đỡ gây oán nghiệp về sau.
- Dạ, sư công nói con hổng hiểu gì hết. Từ bi thì làm sau mà phẫn nộ được, cũng như nước đá làm sao mà đốt cháy thành lửa …
- Con chịu khó tụng kinh niệm Phật và trì Bát nhã thường xuyên đi, sau này con sẽ hiểu dần. Còn bây giờ con chưa thấu triệt được đâu.
- Sư công ơi, vậy còn vụ quỉ linh nhi giải quyết ra sao?
- À, con đem bánh kẹo, sữa bò, đồ chơi vào trong am cúng tụi nó. Sau khi gom lại đủ rồi thì dùng lịnh và chú của Quỷ Tử mẫu mà thu phục. Nếu được, con khuyên đạo hữu của con siêu độ đám tiểu linh nhi này đi. Làm công việc của bà ấy chẳng khác nào đang sử dụng con dao hai lưỡi, không biết lưỡi thứ hai cắt đứt tay mình lúc nào.
Tôi trở về am bà Chín và làm đúng theo những gì sư công hướng dẫn. Cũng may là mọi người đều nhất nhất nghe lời. Công việc tiến triển thuận lợi. Bà Chín qua chuyện này cũng không còn mặn mà việc thờ cúng linh nhi nữa, nên vừa nghe đề nghị của tôi, bà lập tức đồng ý.
Sau khi thu phục bọn trẻ, bà Chín và tôi lập đàn tràng đốt xe giấy thỉnh chư thần đến rước toàn bộ tiểu linh nhi về núi tu hành. Sau này, có hai đứa thành tài, cảm duyên của bà Chín nên quay trở lại tá điển vào xác bà chữa bệnh, coi bói …
Đó là chuyện sau này.
Tôi ghé nhà bà Chín Linh nhi lúc bà đang có khách, đó là một người phụ nữ gầy ốm, vận bộ bà ba nâu, khuôn mặt bà ta dài ngoẳng thật phù hợp với cái dáng vẻ khẳng khiu như cây tre miễu của bà. Chỉ có đôi mắt lúc nào cũng nheo nheo và cái miệng như muốn cười là làm cho người ta cảm mến.
Bà Chín đứng dậy giới thiệu:
- Cậu Hai vào chơi. Giới thiệu với cậu, đây là cô Hai Xa Cảng, cũng người trong bổn đạo. Nhà cô ở ngay bến xe miền Tây nên huynh đệ gọi cổ là cô Hai Xa Cảng cho dễ nhớ.
Quay sang tôi, bà Chín nói tiếp:
- Còn đây là… - Thấy tôi nháy mắt, bà hiểu ý, lập tức đổi tông - đây là cậu Hai Dũng, làm nghề hướng dẫn du lịch. Cẩu đi tối ngày hà, hôm nay mới ghé chơi. Thôi, cậu Hai ngồi xuống uống nước.
- Dạ…
Tôi nhấc nhẹ chiếc ghế về phía mình và ngồi xuống. Cô Hai quay sang ngắm nghía tôi một lúc lâu như xem tướng rồi quay sang bà Chín nói lởi xởi:
- Cô Chín à, tui thấy cậu này có căn lắm đó nghen. Cô cúng ra căn cho cẩu đi.
Suýt tí nữa tôi phì cười. Mấy vị linh căn này, hễ gặp ai biết đi chùa lễ bái hay tìm đến am miếu là y như rằng phán ngay cho họ hai chữ “ có căn”. Trên đời này, ai mà không có căn kia chứ. Không có “căn” làm sao có mình ở đây. Còn “có căn” theo kiểu mấy bà đồng đội khăn đỏ nhập xác về ợ ngáp quay cuồng theo tiếng chuông tiếng nhạc, tiếng hát tiếng hò thì… tôi xin bái.
Thấy tôi ngồi im có vẻ suy nghĩ, cô Hai phấn khởi coi tiếp:
- Tôi thấy cậu sáng lắm đó nghe. Tiền đồ thiệt là rộng mở… À, cậu cũng có người anh hay em gì đó đi theo độ cậu, nhớ cúng cho người ta. Còn nữa, tôi thấy có một ông gì… ông gì… lớn lắm - nói đến đây, cô Hai ngẩn người ra như mất hồn.
Thấy mặt cô Hai ngẩn ra, tôi cười thầm. Tôi luyện phù từ năm 15 tuổi, đến giờ đã hơn 10 năm, được cấp sắc ra sư rồi là sao cổ soi thấu được. Mấy vị án hết thiên linh làm cổ nói lạc quẻ hết trơn. Cô Hai hàm hồ nói tiếp:
- Số cậu không gần cha mẹ, sinh ra lớn lên như cây mọc trơ trọi giữa đồng, một mình chịu đựng sóng gió…
Nói đến đây tôi chịu hết nổi rồi. Tôi chưa bao giờ sống xa cha mẹ, dĩ nhiên là trừ những ngày tôi dẫn tour du lịch, anh em đang chung sống đông đầy với nhau. Còn sóng gió ư, có lẽ trong đám bạn bè tôi quen bíêt, kể cả trong huynh đệ học cùng thầy, tôi là thằng sướng nhất… Thấy cô Hai bắt đầu nói lung tung, tôi giả vờ chắp tay cung kính:
- Con cảm ơn cô Hai đã cho con biết thêm nhiều điều ..
- Không có gì đâu, có duyên dữ lắm mới gặp được tui nói cho vài lời đó.
Quay sang bà Chín nãy giờ chỉ ngồi trên võng tủm tỉm cười, cô Hai nói tiếp:
- Cậu này tương lai sáng lắm đó nghe.Cô Chín liệu mà lo cúng căn cho cậu ta đi.
Tính hiếu thắng của tuổi trẻ bốc lên. Tôi co tay bấm quyết triệu thần, thầm gọi chư vị : “… linh quang phổ chiếu…khí dụng thành huờn… án mộc linh thần chi nhĩ báo…”. Trong chốc lát, một số “tư liệu” về cô Hai đã có trong tay, tôi lễ phép xin cô Hai để cho tôi coi lại. Thấy cô tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi nói luôn:
- Cô Hai gốc thuộc đạo Cao Đài Tây Ninh. Nhưng cô lớn lên không tu theo Cao đài mà lại theo Tịnh Độ. Mười năm nay cô bị căn hành lang thang đây đó, không làm ăn mua bán gì được cả.
- Trời ơi, sao cậu biết?
- Dạ, cô cũng theo thọ học đến ba bốn ông thầy, nhưng chẳng có thầy nào chịu cấp sắc cho cô cả, cho nên cô lại mang ý định muốn tìm một thầy khác để xin cái sắc chữa bệnh. Bây giờ thật ra cô cũng có thể cắt gió cạo lưng hoặc coi lặt vặt cho người khác chút đỉnh. Nhưng cô làm việc có cơn, lúc muốn coi thì không biết nói gì, lúc không muốn coi thì tự nhiên cứ buột mồm nói ào ào không kiềm chế được…
Cô Hai há hốc mồm nhìn tôi, bà Chín ngồi trên võng cười ngất:
- Đúng hôn vậy cô Hai?
Cô Hai Xa Cảng không trả lời mà quay sang tôi chờ nghe tiếp. Tôi thấy hình như cô đang thu người lại.
- Bây giờ cô vẫn cứ lang thang, gia đình con cái coi thường cô, không ai chịu nghe cô dù chỉ một lời, không ai chịu hiểu cho cô cả…
Cô Hai bật khóc ngon lành, khóc tức tưởi. Nước mắt cô tuôn tràn khiến tôi có cảm giác như cô đã chuẩn bị khóc từ lâu lắm rồi. Vừa khóc cô vừa than thở chuyện nhà cửa, chuyện chồng con, chuyện lang thang của cô. Tôi đột nhiên trở thành người nghe bất đắc dĩ, bấc giác tôi hối hận về việc làm của mình…
- Cậu Hai ơi, cậu có cách nào giúp giùm tôi không vậy cậu? - Cô Hai chợt đổi giọng một cách đáng thương.
Bà Chín lúc này mới góp lời:
- Tôi nhắn cậu ghé qua đây cũng là vì chuyện này đó.Thấy cổ bỏ nhà bỏ cửa đi hoài mà thương, có khi không ăn không uống gì cả. Thấy đám cúng bà cúng miểu, cúng đình là cổ sà vô bái lạy nấn ná đến chừng tan hàng mới thôi. Nay biết cậu rồi, nhờ cậu giúp giùm. Tôi thở dài, giá mà lúc nãy mình đừng có thử nghề với cổ, giá mà trước đây mình đừng có vướng vô mấy vị linh căn này thì bây giờ đỡ khổ biết bao. Nhưng thôi, mọi thứ đều có duyên nợ cả, mình làm mình chịu chứ trách ai bây giờ. Vả lại, nếu giúp cho cổ ổn định lại, cổ sau này làm thầy giúp được cho bá tánh thì mình cũng có chút âm công để dành. Nghĩ vậy, tôi liền quyết định chỉ cho cô Hai Xa Cảng bài Cửu Thiên Huyền Nữ Tổng chú và Cửu Thiên Huyền Nữ lệnh phù. Sau đó, tôi vẽ cho cô Chín chữ Định tâm phù uống trong chín ngày cúng đức Cửu Thiên Huyền Nữ…
Từ đó, cũng như bà Chín, cô Hai trở thành đạo hữu của tôi. Hễ có chuyện gì khó khăn nan giải, cô liền chạy đến nhờ tôi hỗ trợ một tay…
Tiếng cô Hai kéo tôi trở về với thực tại:
- Cậu Hai nghĩ gì mà thần người ra vậy?
- À, không,tôi chỉ nhớ lại chuyện cũ thôi mà!
- Cậu Hai à, từ sau chuyện xảy ra ở nhà cậu, tui thấy cậu hay mơ màng lắm nghe…
Tôi đánh trống lảng:
- Sao cô lại có mặt ở đây vậy?
- Ủa, cậu quên tui quê ở đây sao?
- Ờ há, tôi không để ý …
- Còn cậu, sao cậu lại ở đây?
- Tôi đưa khách đi miền Tây, ghé Uỷ Ban nghỉ một đêm, mai đi tiếp. - Vậy là tốt quá rồi. Cậu ghé đây rõ ràng là do ơn trên xoay chuyển. Tui không còn lo nữa.
- Nhưng mà cô lo chuyện gì?
- Cậu hổng nhớ tháng trước tui ghé nhà cậu nhờ cậu về Mộc Hoá một chuyến giúp gia đình tui à?
- Lúc đó rối bời, tôi đâu có để ý kỹ. Thôi, cô kể lại chi tiết giùm tôi đi.
- Chuyện là vầy… Châu là con gái bác Tư Xê, gọi cô Hai Xa Cảng là cô họ. Năm nay Châu vừa tròn 19 tuổi, cái tuổi xuân thì vừa đủ độ chín mùi để làm gục ngã bao chàng trai trong vùng. Chẳng những thế, Châu còn hát hay, cấy giỏi. Mỗi khi bà con cấy vần công, ai nấy bị Châu bỏ xa. Có khi cô còn cấy bao nhốt mấy chàng vào trong đám mạ phải la oai oái. Nhiều nhà có con trai mới lớn đều ngắm nghía và tính chuyện làm sui với bác Tư. Bác Tư lấy chuyện này làm điều thích thú. Mỗi khi đi đám tiệc ở đâu, nhắc đến Châu là y như rằng bác khoe hết lời khiến nhiều người cứ tấm tắc hít hà…Thật ra , bác cũng đang âm thầm kiếm một chàng rễ vừa ý.
Vậy mà, đùng một cái cô Châu có bầu. Lúc đầu thấy cô nôn oẹ, biếng ăn, ở nhà cứ tưởng cô làm nhiều sinh bệnh. Nhưng rồi những triệu chứng của một người ở cử càng lúc càng lộ rõ, nhất là cái eo vốn thon thả của cố cứ tròn dần ra một cách công khai khiến mọi người tá hoả.
Bà con lối xóm xì xầm bàn tán, rủ nhau đoán già đoán non về tác giả cái bào thai kia. Trước đây, mọi người ca ngợi Châu bao nhiêu thì bây giờ cái tiếng thị phi cũng tương xứng bấy nhiêu. Vợ chồng bác Tư thì khỏi nói. Bác gái lúc nào cũng rền rĩ than trời trách đất, rồi trách bản thân vô phước có một đứa con gái hư thân mất nết như Châu. Bác Tư Xê thì ngày nào cũng tra hỏi cật vấn rồi mắng chửi đánh đập. Có hôm ra đồng, mặt mày Châu sưng tím, tay chân lằn ngang lằn dọc vì trận đòn dữ tợn của bác Tư. Mọi người càng dè bĩu, bác Tư càng đánh chửi thì Châu càng im lặng. Cái im lặng thật đáng sợ ẩn chứa một sự phản kháng ngầm…
Bất ngờ lúc giữa trưa, làng xóm nghe tiếng gào khóc của bác Tư gái. Mọi người ùa sang thì thấy cô Châu cả người tím tái, mắt trợn dọc, bọt mép sùi ra hai bên ướt cả chiếc áo bà ba màu tím hoa cà, ướt cả chiếc chiếu cô nằm. Người cô nẩy lên từng cơn như bị kinh phong. Bà con xúm nhau lại cạo gió, cắt lưng, giật tóc mai nhưng cô chỉ còn nảy người lên vài cái rồi rủ xuống tắt thở. Cô chết nhưng đôi mắt vẫn mở to, nhìn vào hư không như oán trách điều gì. Dưới chân giường vẫn còn chai thuốc xịt rầy đã vơi hơn phân nửa.
Vậy là mọi người lại bắt tay vào lo hậu sự cho cô Châu. Đôi mắt cô vẫn mở to không nhắm, người nhà làm đủ cách nhưng đôi mắt vẫn cứ mở trừng trừng khiến ai nấy rởn óc không dám nhìn lâu. Cuối cùng, mấy vị chức sắc trong Cao Đài quyết định lấy chiếc khăn đỏ phủ lên đôi mắt cô rồi làm nghi thức an táng. Vì cô Châu chết lúc đang có mang nên bên mộ của cô Châu, người ta trồng một cây chuối sứ, chừng nào chuối trổ buồng thì đứa nhỏ ma cũng được chào đời.
Ba ngày sau, chuyện lạ bắt đầu xảy ra…
Ông Tám thợ rèn đi ăn đám giỗ bên kia sông nên về muộn hơn thường ngày. Trời chạng vạng ông mới khật khà khật khưỡng qua đến đám ruộng của bác Tư Xê. Một cơn gió lạnh thổi qua làm ông rùng mình. Cái “bầu tâm sự” của ông cần có chỗ để trút. Ngó quanh quất không thấy ai, ông vén quần tè luôn trên bờ ruộng. Chợt ông nghe tiếng nói văng vẳng :
- Ông Tám đi đâu về tối quá vậy?
Tưởng gặp người quen, ông Tám lập tức ngưng ngay công việc “tưới ruộng”. Vừa xả ống quần xuống ông vừa vội trả lời:
- Ừ, tao đi đám giỗ về mà đứa nào hỏi đó bây?
Nhưng, khi quay người lại, ông chẳng thấy bóng dáng người nào.
Tưởng uống rượu nhiều quá nên mơ hồ, ông Tám lắc lắc cái đầu như xua tan cơn say, tiếp tục giải quyết chuyện của mình. Vừa mới kéo ống quần lên, ông nghe tiếng kêu thật lớn:
- Ông Tám…
Lần này không thể lầm lẫn được, ông Tám quay phắt lại nhìn. Trong không gian nhá nhem tối, ông chợt phát hiện mình đang đứng gần nấm mộ của cô Châu. Mồ hôi lạnh toát ra ướt áo, ông Tám tỉnh hẳn rượu vội co giò chạy một mạch về nhà, mặt mày tái mét, nói chẳng ra lời. Hôm sau ông ngã bệnh.
Trường hợp ông Tám không phải là duy nhất. Thím Năm Hoài, rồi cô Hai Lành, thằng Rạch con ông Ba Thớm đầu xóm cũng thấy cô Châu hiển linh. Thằng Rạch kể, chiều hôm đó nó lùa trâu về nhà, lúc ấy trời chưa tối hẳn, đi ngang mộ của Châu, nó thấy cô đứng sẵn tự lúc nào. Lúc đầu nó còn tưởng cô nào ở trong vùng đang hẹn hò với bồ, không dè đến gần nó thấy cô Châu đang cười nhìn nó. Vẫn là chiếc áo bà ba bông tím hoa cà mà ở nhà mặc lúc liệm xác cô, vẫn nụ cười duyên quen thuộc với bà con lối xóm. Cô lấy tay ngoắc. Hồn vía lên mây, thằng Rạch cắm đầu chạy, vừa chạy nó vừa la bài hãi: “ Trời ơi!...Ma…ma…a…”Về đến nhà nó ngã vật ra sùi bọt mép, lên cơn co giật. Báo hại cả xóm gần cả đêm không ngủ với nó. Người lớn vừa kiếm thầy cắt lễ cho thằng Rạch vừa cử mấy tay thanh niên chạy ra ruộng tìm trâu.
Trong khi cả xóm còn đang kinh hoàng thì sau lễ cúng cửu đầu tiên (Đạo Cao Đài lấy chín ngày để cúng vong nên gọi là cửu, khác với đạo Phật cúng thất sau khi người chết được bảy ngày ) nhà cô Châu bắt đầu có chuyện. Buổi tối, cả nhà nghe tiếng lục đục trong buồng ngủ của cô. Tưởng là chuột nên bác Tư chỉ vỗ vỗ vào vách mấy cái rồi ngủ tiếp. Đến tối hôm sau thì tiếng động càng lớn hơn như ai đó đang lục lọi đồ đạc trong buồng. Cất tiếng hỏi không nghe ai trả lời, bác Tư bưng đèn vào trong xem thử. Tất cả bình thường, không có vẻ gì là xáo trộn. Đêm tiếp theo nữa, cả nhà không ai ngủ được vì tiếng khóc rấm rức từ trong buồng văng vẳng vang ra. Nghe kỹ thì đó là tiếng khóc quen thuộc của cô Châu mỗi khi bị bác Tư đánh mắng. Ở nhà rởn da gà không ai dám ho he. Riêng bác Tư trai vốn có vai vế trong đạo nên còn bình tĩnh, bác hét lớn át cả tiếng khóc:
- Bây sống làm nhục nhã cha mẹ, giờ chết rồi tính làm ma để báo hại gia đình hải không?
Tiếng khóc chấm dứt. Cả nhà yên giấc đến sáng. Nhưng rồi những đêm sau mọi thứ vẫn tiếp diễn như cũ. Lần này càng lộng hơn, người nhà thấy cô Châu hiện hồn rành rành. Từ trong buồng, cô bước ra quanh quẩn gần tủ thờ rồi khóc lóc. Có khi đang ngủ, vợ chồng bác Tư giật mình thức giấc nghe tiếng của Châu kêu gọi thảm thương:
- Má …ơi! … Tía … ơi…ơi…!
Mở mắt ra nhìn, hai ông bà thấy cô xoã tóc đứng ngay cạnh giường ngủ của mình. Ở dưới quê lúc bấy giờ chưa có đèn điện, nhà nào sang lắm mới xài điện bình. Bình gần cạn phải đi ghe ra ngoài chợ để sạc lại. Nhà bác Tư cũng chỉ xài đèn dầu, trong ánh đèn dầu tù mù leo lét, bóng cô Châu lúc ẩn lúc hiện với mái tóc xoã dài với tiếng khóc nức nở làm mọi người sợ đến mất vía.
Ban đầu là bác gái bỏ buồng trong chạy ra bộ ván ngủ với bác trai, rồi sau đó cả nhà dọn giường qua gian bếp ngủ chung với nhau. Cuối
cùng cả nhà bỏ sang nhà bác Ba Xàng ngủ nhờ. Thế là căn nhà của
bác Tư … ban ngày dành cho người, còn ban đêm … để lại cho cô
Châu về ở.
Dường như kể nhiều hơi mệt, cô Hai Xa Cảng dừng lại hớp một ngụm cà phê đá.
- Cô Hai à, tính đến bữa nay thì cô Châu chết được mấy ngày rồi cô? - Đến ngày mai là vô cửu thứ bảy rồi đó cậu. Nói thiệt với cậu, từ hôm cậu từ chối không nhận, ở nhà đã làm hết cách rồi. Mời bổn đạo đến hộ niệm, mời thầy đến cúng giải vong, mời đồng bóng về cúng bà… hễ ai bày gì là anh chị Tư tui làm nấy nhưng coi bộ hổng ai làm được gì cả cậu Hai à. Cực chẳng đã anh chị Tư tui nói quá nên tui mới về cúng thử xem sao. Biết đâu nó thương tui thiệt lòng cầu nguyện cho nó mà chịu đi đầu thai thì phước ba đời luôn đó cậu.
- Cô về được mấy hôm rồi.
- Mấy đâu mà mấy. Tui đi chuyến xe đầu hôm nay, về đến đây mới có 10 giờ hà. Vậy mà có chút thời gian rảnh đã nghe không biết bao nhiêu chuyện về con Châu nữa.
- Còn thêm chuyện gì nữa?
- Đó, mới hôm qua thôi. Buổi chiều, anh Bảy Niễng chạy hào hễn từ ngoài ruộng về. Vô tới nhà ổng la um lên : “Con Châu nó rượt tui, con Châu nó rượt tui”. Gặp chị Bảy nghễng ngãng còn hỏi lại: “ Trâu làm gì mà rượt ông chứ?” thiệt là cười ra nước mắt luôn. Đến khuya hôm nay, bạn hàng của chị Tư đi ghe qua trước nhà, tính ghé lên lấy đồ. Dè đâu vừa ghé vô thấy nó đứng ngời ngời ngay bến, ai nấy bò càng luôn vậy đó. Tôi cắt ngang câu chuyện:
- Bây giờ cô định làm sao?
- Thì làm sao nữa, tui định tối nay tụng kinh cầu siêu cho nó. Thấy còn thiếu vài món nên vội chạy ra chợ mua thêm cho đủ.
Cô Hai đổi giọng:
- Cậu Hai ơi, gặp cậu ở đây rồi, thôi cậu giúp tui chuyến này đi nghe cậu.
Tôi không trả lời, quay ra ngó mông lung ngoài sông lớn. Phải chăng tôi gặp cô Hai ở đây là một sự tình cờ? Còn giấc mộng cách đây gần tháng, phải chăng cũng là trùng hợp? Câu chuyện kể của cô Hai làm tôi xúc động. Tự nhiên tôi thấy thương cảm cho số phận của một con người, sống bị người ta chê cười, chết lại bị người ta sợ hãi. Họ sợ hãi điều gì kia chứ? Sợ ma ư? Ai chết rồi mà chẳng thành ma? Ma là người đã chết, người là ma lúc còn sống, có gì khác nhau đâu. Cái kiếp sinh tử luân hồi, ai mà chẳng có một lần phải trải qua. Có điều, người thì ra đi nhẹ nhàng, kẻ thì quyến luyến nấn ná. Chẳng qua là vì họ chẳng cam lòng đó thôi, hoặc giả họ còn điều tâm nguyện nào đó
chưa giải quyết nên không chịu nhắm mắt đi xuôi. Cái tâm tham lam, sân hận, si mê theo họ vào cả trong cõi u minh… Biết bao giờ mới giải thoát đây.
- Cậu Hai ơi, cậu giúp giùm tui đi cậu!
Tôi sực tỉnh, quay sang nói với cô Hai:
- Được rồi, cô ghé tiệm thuốc Bắc mua giùm tôi một số vị thuốc sau: Châu sa - 5 chỉ, Thần Sa - 5 chỉ, Son Tàu - 5 chỉ, A Nguỳ - 1 lượng…
Rồi cô ghé vô chợ mua luôn nhang đèn, giấy áo, nãi chuối sứ, ít giấy vàng. Cô Hai mừng quýnh:
- Giấy vàng và nhang đèn tui mua rồi nè, còn mấy cái kia có ngay thôi. Cậu chờ tui chút nghe.
Nói xong, cô Hai đi nhanh ra khỏi quán. Cái dáng cao gầy của cô tất tả giữa dòng người đang từ dưới bến đi lên.
Nhà bác Tư cách chợ Mộc Hoá khoảng 9 cây số đường sông. Chúng tôi đi ghe máy về tới nhà thì đồng hồ đã chỉ 5 giờ chiều. Thấy cô Hai từ dưới bến đi lên, một người phụ nữ trạc sáu mươi tuổi chạy ra đón lấy giỏ đồ trên tay cô Hai vừa nói:
- Trời chiều rồi mà cô chưa về làm tui lo quá. Sao mà lâu quá vậy?
- Gặp được quới nhơn nên về muộn đó mà - quay sang chỉ tôi, cô Hai giới thiệu - Cậu Hai Dũng, người mà tui kể với chị hồi tháng rồi đó. Hôm nay ra chợ mua đồ, may sao gặp cậu ấy đang ghé huyện làm công chuyện. Vậy là tui đưa cẩu về đây luôn. Còn đây là chị Tư của tui đó cậu.
Bác Tư gái có vẻ mừng rỡ:
- Mời cậu vô nhà, hôm nay mùng Một ở nhà có mấy mẹ con tui. Ổng mắc việc ngoài Thánh thất chắc không về được.
Bữa cơm chiều được dọn ra đạm bạc. Tàu hủ chiên vàng, dĩa rau mốp làm chua chấm chao và tô canh canh rau dền con ăn với cơm gạo mới. Tôi làm luôn ba chén đầy mà vẫn còn muốn ăn thêm, trong đầu chợt liên tưởng đến bữa tiệc ban trưa - nặng nề và tanh tưởi… Ăn xong, trời cũng bắt đầu chạng vạng. Thoắt cái cả nhà bác Tư biến đi đâu mất, chỉ còn tôi và cô Hai loay hoay chuẩn bị thời kinh.Khi theo chân cô Hai đi lên gian nhà trên, nơi đó thờ Thiên nhãn, Cửu huyền, bàn thờ của cô Châu cũng đặt ở đấy.
Vừa bước vào gian trên, tôi nhận ra ngay một cảm giác rất lạ. Gian thờ đóng kín cửa lớn, nhưng tôi vẫn cảm thấy gió ở đâu quyện nhè nhẹ vào cổ chân, sương sống tôi có một luồng khí lạnh chạy lên chạy xuống. Tưởng linh phù chữ Phật an ở đảnh và tâm ngực xong, tôi tiếp tục bước vào trong. Đến trước bàn thờ cô Châu, tôi bàng hoàng giật mình đánh thót một cái… chắc mọi người đã đoán ra điều gì rồi. Bức di ảnh của cô Châu trên bàn thờ giống với cô gái trong giấc mộng tháng rồi của tôi như đúc. Nói cách khác, cô gái mà tôi thấy trong lúc mơ màng chính là cô Châu, nhân vật trong tấm ảnh thờ đang đưa mắt nhìn tôi với nụ cười buồn bã…
Thoáng chút bàng hoàng tôi vội trấn tĩnh và bắt đầu thời kinh tụng. Tiếng chuông mõ hoà vào trong ánh sáng lung linh của hai ngọn đèn cầy, trong mùi nhang trầm phảng phất tạo nên bầu không khí liêu trai huyền ảo nhưng ấm cúng. Tôi và cô Hai hoà niệm bài chú Đại Bi: “ … Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da, nam mô a rị da bà lô yết đế thước bát ra da, bồ đề tát đoả bà da…”
Tiếng chuông điểm vào cảnh tỉnh, tiếng mõ đều đặn dằn tâm, tôi để lòng mình duyên theo bài chú, tâm thức như thấy hình tướng đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm đang ngự giữa hư không, ánh hào quang phóng ra tiếp dẫn vong hồn. Từng luồng điện chạy dọc theo sống lưng , chạy ra hai tay từng đợt từng đợt làm tôi gai cả người. Tôi có cảm giác như vong hồn cô Châu đang hiện về trong tiếng chú.
“ Nam mô Liên trì Hải hội Phật Bồ tát… Phật thuyết A Di Đà kinh. Như thị ngã văn…”
Bổn kinh Di Đà hầu như tôi thuộc nằm lòng. Từng lời từng lời trong kinh như mở ra cả một thế giới hư không với cõi Tây phương trang nghiêm Tịnh độ. Bốn mươi tám lời thệ nguyện của đức Phật Di Đà dẫn dắt chúng sanh về Phật quốc, cầu cho vong hồn của cô Châu thức tỉnh bến mê mà quay về bờ giác. Về đi thôi, về đi cô Châu ơi, luyến tiếc làm chi một chút hồng trần, hãy duyên theo lời hộ niệm mà thức tỉnh, hãy nương theo ánh hào quang của chư Phật ba đời mà thoát khỏi biển khổ này. Tôi tụng cho cô cũng như tụng cho thằng em đã mất của tôi. Nó và cô đã lìa bỏ cuộc đời, vậy đừng nên quyến luyến làm gì thêm khổ não.… Xong thời kinh Phật, tôi nhờ cô Hai đem sẵn châu sa thần sa hoà trộn với son tàu thành một thứ mực đỏ sẫm. Chắp tay kết ấn trì tụng Quang Minh Cam Lộ Chơn Ngôn 21 biến, tôi dùng son tàu vẽ thành bảng phù ấn Tỳ Lô Hoa Tạng. Sau đó tiếp tục vẽ thêm các linh phù bổn môn.
Đợi đến 11 giờ đêm, tôi bắt đầu khai Đàn tác pháp. Cô Hai đứng ngoài hộ Đàn. Không khí lúc này yên tĩnh lạ thường, không một tiếng động, dù là tiếng gió. Tôi có cảm giác không gian như đặc quánh lại, tay chân bỗng trở nên nặng nề. Tôi đốt phù và đọc chú gọi hồn. Trong cái yên lặng khác thường của gian phòng tranh tối tranh sáng, tôi nghe tiếng đọc của mình lanh lảnh: “…ơi…ơi… ma chi la …a…ma chi li… pon on ti pê sa…a… sắc sa quắt…ơi.. ơi…i…”Ngọn đèn cầy bên phải bàn thờ bỗng chao đảo liên hồi như có gió thổi, không khí bổng dưng lạnh một cách kỳ lạ. Hai lỗ tai tôi lùng bùng vang lên những tiếng vo vo như có hàng vạn con ve đang cất tiếng kêu. Biết là hồn cô Châu đang hiện về, theo thói quen tôi kết thủ ấn làm thành bị giáp kim cương hộ thân. Và rồi… trong khoảng tranh tối tranh sáng giữa cửa buồng của cô Châu với bàn thờ vong, tôi thấy một bóng người mờ mờ ảo ảo. Thoáng nghe tiếng cô Hai Xa Cảng “ư” lên một rồi tắt lịm, dường như cô đang lấy tay bịt miệng mình lại. Bóng hình rõ dần, rõ dần… đúng là hình ảnh tôi từng thấy trong mơ, cũng chiếc áo bà ba bông màu tím hoa cà trong ánh sáng huyền ảo của ngọn đèn cầy đã trở màu đen sẫm. Cũng dáng vẻ thanh nhã với cái bụng to hơn bình thường một chút, cũng khuôn mặt khả ái và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Sau một thoáng xúc động, tôi vừa giữ ấn vừa hỏi:
- Cô có phải là cô Châu không?
Thoáng thấy chiếc bóng gật đầu. Tôi lại hỏi tiếp:
- Cô có biết tự vẫn huỷ hoại mình và thai nhi là mang tội với đất trời hay không ?
Vẫn là một cái gật đầu, nước mắt tiếp tục lăn dài trên gương mặt cô. Cố nén tiếng thở dài, tôi nói:
- Cô biết mang tội mà vẫn làm chắc chắn là có nỗi khổ tâm. Nhưng cô có biết rằng ở lại thế gian phá quấy mọi người là chuốc thêm tội hay không? Người sống có con đường của người sống, kẻ chết có nẻo riêng của kẻ chết. Cô lẫn lộn âm dương, không lo an phận chờ ngày đứa trẻ ra đời thì chắc chắn sớm muộn gì mộ của cô cũng bị lôi đả cho mà xem…
Vẫn là tiếng nức nở. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cô Châu không thể nói với tôi một lời nào. Tôi lại cất lời khuyên nhủ:
- Cô Châu à, tôi và cô gặp nhau là do duyên. Tôi chỉ mong giải toả uất ức trong lòng cô để cô yên lòng ra đi. Tôi không đủ sức siêu độ cho cô nhưng tôi sẽ nhờ hạnh nguyện ba đời chư Phật và oai linh Thầy Tổ để đưa mẹ con cô về núi tu hành.
Cô Châu khẽ cúi đầu như ngẫm nghĩ. Thật lòng lúc bấy giờ nếu cô Châu từ chối tôi cũng không biết phải xử trí cô ra sao nữa…May cho tôi, cô Châu ngẩng lên nhìn tôi như tỏ vẻ ưng thuận. Rồi cô đưa tay chỉ về phía bàn thờ Thiên nhãn và Cửu huyền như muốn nói gì đó. Tôi biết cô không dám đến gần bàn thờ Thiên nhãn.
- Cô muốn tôi làm gì ở đó?
Vong linh của cô Châu vẫn chỉ về phía bàn thờ. Nhìn theo tay chỉ của cô, hình như là trong tủ thờ có cái gì đó. Quay sang cô Hai Xa cảng định nhờ cô giúp thì thấy cô chắp tay che kín mặt, miệng lầm thầm niệm liên tục không dám mở mắt. Tôi đành đứng dậy đi về phía tủ thờ. Bây giờ nghĩ lại không hiểu tại sao mình làm được chuyện đó. Vì muốn đến tủ thờ phải đi ngang qua chỗ hồn ma cô Châu đang đứng, chỉ nghĩ đến thôi đã ớn lạnh rồi. Vậy mà lúc ấy tôi bước thản nhiên, lòng không có chút gì lo sợ. Vẫn nắm thủ ấn trong tay áo, tôi tiến đến tủ thờ. Bàn thờ gia tiên được làm bằng gỗ cẩm lai cẩn xà cừ. Hai bên hông tủ là hai cánh cánh cửa nhỏ. Ở dưới quê thường cất chén bát, ly tách quý giá vào bên trong tủ,mỗi khi có đám tiệc mới lấy ra xài một lần.
Tôi bước đến mở tủ ra, bên trong tối om. Với tay lấy ngọn đèn dầu trên bàn thờ Cửu Huyền xuống rọi vào, một mùi ẩm mốc xộc ra khiến tôi muốn nhảy mũi. Bên trong là từng chồng chén đĩa được gói lại cẩn thận bằng giấy báo, bụi bám đầy bên ngoài chứng tỏ lâu lắm không ai sử dụng. Không thấy gì, tôi lại quay ra nhìn hồn ma của cô Châu. Cô vẫn đứng xa xa chỉ về phía tủ thờ tôi đang mở, khuôn mặt mờ ảo của cô có vẻ khẩn thiết hơn. Tôi lại phải quay vào soi đèn tìm tiếp. Lần
này, tôi đưa tay giở từng chồng chén đĩa lên để tìm. Bất chợt, tôi phát hiện một túi ni-lông được gói cẩn thận nhét ở dưới đống dĩa. Cầm túi ni - lông ra, tôi xoay lại định hỏi cô Châu thì cô biến mất tự lúc nào. Quay trở lại đàn, tôi ngồi xếp bằng xuống và mở túi ni-lông ra. Cái túi được gói cẩn thận mấy lớp. Gỡ đến lớp trong cùng, một xấp thư và hai tấm ảnh rơi ra. Trong ảnh là cô Châu đang tươi cười bên cạnh một thanh niên khá đẹp trai. Cả hai đang đứng bên một hòn giả sơn khá lớn. Tôi chợt hiểu… Cô Châu ơi, chữ tình đối với cô lớn đến như vậy sao? Vì một người đàn ông mà cô nỡ bỏ cả mạng sống của mình, cũng vì những món vật còn để lại này mà cô không chịu ra đi. Thế gian trầm luân cũng bởi thế này . Thôi, tôi sẽ hoàn thành tâm nguyện cho cô, mong cô an lòng mà về núi…
Tôi bắt đầu tác pháp, kết thủ ấn định tâm nhập vào Tỳ Lô Hoa Tạng thế giới, tập trung trì niệm Quang Minh Cam Lộ Chơn Ngôn hồi hướng cho vong hồn mẹ con cô Châu được thoát khỏi ma chướng oán nghiệp, giải toả oan kết thế gian. Cuối cùng, tôi đốt linh phù bổn môn, nhờ oai linh thầy tổ đưa cô về núi. Những vật thực cúng dường, phù ấn, vàng bạc … và cả những bức thư, tấm ảnh của cô Châu đều được hoá cẩn thận. Thôi, sơn quy sơ, thổ quy thổ. Những gì của quá khứ xin trả về cho cát bụi, chết đi rồi có mang theo được gì đâu. Còn chút ân tình cũng nên trả lại thế gian, cầu chúc cô về núi tu hành tinh tấn.
Pháp sự hoàn mãn cũng là lúc chuông đồng hồ thong thả điểm ba tiếng. Cô Hai và tôi lặng lẽ thu dọn và ra bến chờ đứa cháu cô Hai lấy xuồng. Đến bây giờ bác Tư gái mới xuất hiện, tôi định nói với bác vài lời nhưng lại thôi. Nói gì bây giờ đây, dù gì đi chăng nữa, cô Châu cũng đã đi rồi, tâm nguyện của người chết và mong muốn của người sống đã được thoả mãn, có nói cũng vô ích mà thôi. Tôi lặng lẽ ra bến ngồi chờ, chiếc xuồng máy đuôi tôm đang tư từ trờ tới.
Chiếc xuồng nổ máy chạy về chợ Mộc Hoá. Trên bến, bác Tư gái còn đứng nhìn theo. Bóng của bác mất hút trong màn đêm buổi sớm. Tôi ngồi ở mũi xuồng, từng cơn gió lạnh trên sông thổi vào mát rượi. Một ngày mới lại bắt đầu, một chuyến hành trình mới của tôi lại tiếp tục. Trên những nẻo đường giong ruổi, tôi lại chất thêm vào hành trang ký ức của mình một kỉ niệm siêu linh. Ngẩng lên nhìn bầu trời chi chít những ngôi sao, tôi có cảm giác như linh hồn của cô Châu đang là một trong những vì sao ấy…
truyen nguoi lon | wap8x.mobi| anh tu suong|truyen teen | tai apk tai game android | kho tai game java kho tải game android | Game cho android | game android free tai game java| truyen teen | kho game|sms chuc tet 2013 | tin nhan sms|game dua xe|kho game android
| goc anh sex | game mobile | game hot|sms 8-3 I anh sex 2013Itruyen it
wap viet
<