Và thế là không ít em tỉnh lẻ "lao" vào kết hôn để có chỗ che nắng che mưa và được làm công dân thủ đô.
Anh già. Ừ thì già thật nhưng đôi khi già cũng có nhiều lợi thế. Già rồi thì thường chín chắn và “manly”, đủ sức che chở và bao bọc cho các nàng. Già rồi thì từng trải, ít nhất cũng có dăm ba mối tình vắt vẻo, thế nên đúc kết kinh nghiệm cũng nhiều, các nàng cứ gọi là tha hồ được chăm sóc. Mà cái thói đời các anh già thì bao giờ cũng thích gái trẻ, ngược lại gái trẻ lại ham các anh già, thành ra đôi bên cùng toại nguyện. Âu cũng là quy luật, già mà hóa ra lại hay “gừng càng già càng cay”…
Anh lùn… Lùn thì lùn thật nhưng Naponeon cũng đã từng nói chiều cao của con người được tính từ đỉnh đầu lên trời chứ không phải từ chân lên tới đầu. Lùn mà nho nhỏ người ta bảo bé hạt tiêu, lùn mà phát tướng người ta bảo đó là bệ vệ. Thế nên lùn cũng đâu phải cái tội, anh lùn là bởi vì anh không cao, mà thiên hạ lắm kẻ cao nhưng vẫn phải ngước nhìn anh.
Anh xấu. Xấu chỉ bởi anh không đẹp, nhưng nhìn kỹ cũng thấy duyên đấy chứ. Cái miệng hơi rộng một chút nhưng các cụ có câu “Đàn ông miệng rộng thì sang/ Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà” thế nên cũng chẳng có vấn đề gì. Cái trán hơi “dô” một tí nhưng người ta lại bảo trán cao như trán Bác Hồ, lắm kẻ muốn mà cũng không được. Cái đầu hơi hói một tí, nhưng trông như thế nó mới ra dáng trí xờ thức. Cái răng hơi hô một tí nhưng như thế lúc nào cũng thấy anh cười tươi roi rói. Đàn ông xấu một tí ngẫm ra cũng có cái hay. Xấu một tí cho gái nó khỏi thèm, sau này các nàng cũng không lo lúc nào cũng bo bo giữ chồng. Thế nên cổ kim mới dạy rằng “tốt mã” thì thường “giẻ cùi”.
Già một tí… Lùn một tí… Xấu một tí… Nhưng anh có nhà Hà Nội. Chỉ thế thôi cũng đủ để các nàng cân nhắc, đắn đo. Con gái tỉnh lẻ, xa nhà, thiếu thốn tình cảm mong muốn có mái ấm gia đình nơi đất khách quê người, thế nên ao ước ấy luôn thường trực âu cũng là một lẽ tự nhiên. Thậm chí nhiều cô gái còn mạnh dạn tuyên bố “ Có nhà Hà Nội em mí yêu”, nhà to em chẳng cần, chỉ cần một ngôi nhà “nhỏ nhỏ” 3 tầng xinh xắn đủ để “che nắng che mưa” hay lấy chỗ “chui ra chui vào”.
Thực ra các nàng đều là những con người biết “nhìn xa trông rộng”, nghĩ cho mình thì ít, nghĩ cho con cái sau này thì nhiều. Vợ chồng tỉnh lẻ, thuê nhà Hà Nội, lương ba cọc ba đồng sau này chẳng đủ tiền mua sữa cho con chứ chưa nói đến việc mua đất, mua nhà, đời nào mới “ngóc đầu” lên được. Thế nên phương pháp nhanh gọn và tối ưu là “cá kiếm” anh nào Hà Nội, an cư rồi mới lạc nghiệp.
Vì vậy, có nhiều cuộc hôn nhân “kệch cỡm”, “lệch pha” vừa khó hiểu lại vừa dễ hiểu.“Con bé xinh như thế, giỏi như thế mà lấy thằng chồng vừa già, vừa xấu, nhưng mà thôi dù sao cũng có nhà Hà Nội”, “Thằng chồng nó chắc cũng xấp xỉ bằng tuổi bố nó, có khi lại là bạn ông già cũng nên, chẹp chẹp, mỗi tội lắm tiền, có nhà ở Keangnam cơ đấy”, “Nghe nói thằng ấy gia trưởng lắm, làm người yêu thôi nó đã quát cho lên bờ xuống ruộng, thế này lấy nó về nó hành cho thì khổ. Nhưng nghe nói bố nó làm quan to, có mấy cái nhà ở khu hồ Tây, nghĩ thôi mà đã thấy thèm”… Ấy là những câu quen thuộc mà chúng ta có thể dễ dàng nghe được khi bàn luận về đám cưới của một ai đó. Cân đo đong đếm, bao giờ cũng có câu “Thằng ấy thế này thằng ấy thế kia… nhưng mà…” và cái quan trọng nó nằm ở chính cái vế sau cùng mà ai nấy