Giữa đám đông, Hạnh chẳng ngại ngần tuyến bố: Đã không thích thì thôi, chứ Hạnh mà thích thì… đố thằng nào thoát! Chỉ cần cô đưa ánh mắt hướng về người đối diện, y như rằng người đó khó thoát lưới tình.
Vì thế mà Hạnh đã hai lần đò nhưng chưa bến đỗ; không kể "vô số" những cuộc tình, và không ít những… bầm dập.
Mối tình đầu
18 tuổi, tốt nghiệp cấp 3, Hạnh đặt chân xuống đất Hà thành học đại học. Người xưa nói chẳng sai: "Chè Thái, gái Tuyên" - Hạnh đẹp, điều đó không ai phủ nhận! Mà không chỉ đẹp, Hạnh còn "vừa đẹp nhưng quan trọng là nhìn Hạnh hơi… lẳng một chút" - như nhận xét của đám mày râu đã từng gặp Hạnh dù chỉ một lần. Quả thật, ngay khi bước chân vào cổng trường Đại học KHXH&NV trong ngày khai trường, cô gái miền núi có vẻ đẹp kiêu sa phố thị hoà lẫn vẻ ngây dại núi rừng với đôi chân dài miên man, khuôn mặt vừa xinh vừa kiêu đã khiến đám sinh viên nam trong trường hết thảy “lác mắt”.
Nhưng dĩ nhiên, cái đẹp luôn có giá của nó. Hạnh chỉ nói chuyện và nhận lời đi uống cà phê với những chàng sinh viên nào có "hình thức khá", dù điều đó với Hạnh vẫn là chưa đủ. Rồi trong cái danh sách dày đặc những vệ tinh ấy, Tuấn may mắn lọt vào mắt xanh của cô sinh viên nhan sắc. Nhưng không giống như những chàng sinh viên tỉnh lẻ. Tuấn là con út của một giám đốc chi nhánh ngân hàng có cỡ ở tỉnh Sơn La, hội đủ mọi yếu tố để trở thành hotboy trong trường khiến biết bao nữ sinh viên mơ ước. Hai tính khí kiêu căng, nửa người lớn nửa trẻ con cũng góp phần đẩy họ đến với nhau.
"Phụ nữ hy sinh tình dục để có tình yêu, còn đàn ông đổi tình yêu để có tình dục". Cái triết lý "không kiểm chứng" và có phần thô thiển đó lại vận vào hai tâm hồn vừa bước vào tuổi thanh niên. Cái quý giá nhất của người con gái đã được Hạnh trao cho Tuấn. Hai sinh viên rủ nhau ra ngoài thuê nhà “sống thử”. Có thai rồi lại phá. Việc động trời đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng được đôi trẻ xem như… chuyện thường. Đến năm thứ hai đại học, gia đình hai bên biết chuyện, nhưng cũng chỉ nhắc nhở bọn trẻ cẩn thận chuyện "dính thai" mà chẳng bên nào có biện pháp dạy dỗ. Một lần mẹ Hạnh xuống thăm con gái đúng khi cô đang dính thai. Bà kiên quyết không cho nạo, và gọi điện cho gia đình Tuấn bàn bạc lo liệu việc cưới xin. Cuối cùng Hạnh phải bảo lưu kết quả ở nhà chờ sinh nở, còn Tuấn trở thành bố ở tuổi 22.
Quả chín ép ắt sẽ không thơm ngon. Bù đầu với việc học, mải mê trong những cuộc chơi điện tử thâu đêm, Tuấn chẳng mảy may nghĩ đến trách nhiệm làm bố. Nhờ điều kiện gia đình khá giả, cuối cùng Tuấn cũng tốt nghiệp ra trường.Con gái của cô sinh viên non nớt cũng đã được hơn một tuổi, Hạnh xin học trở lại. Tuấn không chăm lo việc gia đình, trong khi Hạnh vừa đi học vừa phải chăm con. Bí bức tinh thần, cãi vã xảy ra thường xuyên. Chẳng ai chịu ai, đôi trẻ dắt nhau ra toà, bất chấp can ngăn của gia đình, bạn bè. Người nhất quyết dứt áo ra đi lại là Hạnh. Cô bảo đời cô đã bị Tuấn phá hỏng nên muốn làm lại từ đầu. Thà cô bỏ chồng còn hơn đợi Tuấn đẩy cô ra đường 23 tuổi, một tay cầm tấm bằng cử nhân khoa tâm lý học, tay còn lại cắp đứa con gái 2 tuổi, cuộc đời Hạnh “ba bảy chín” (ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh).